Vì sao sếp giỏi thường nói ít? |
Truyền đạt thông tin rõ ràng
Theo CareerLink, nếu muốn truyền đạt nhiệm vụ mới để nhân viên có thể nắm bắt tốt nhất, hãy nói ít lại, ngắn gọn và đi vào trọng tâm vấn đề. Bởi bạn nói càng nhiều thì điều bạn muốn nói càng trở nên rối rắm hơn, khiến người nghe hoang mang và chẳng hiểu bạn muốn nói gì. Khi đó, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu nhân viên “gan dạ” đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, có thể họ sẽ làm đúng những gì bạn mong đợi. Ngược lại, nếu nhân viên tự suy đoán hoặc cho rằng họ đã hiểu đúng vấn đề, có thể họ sẽ gây ra nhiều rắc rối, nhỏ thì sẽ làm mất thời gian, chậm tiến trình của dự án hay lớn hơn là gây hao tổn tài chính và phá vỡ mối quan hệ với đối tác. Suy cho cùng, hậu quả này cũng do thói quen “nói nhiều” mà ra.
Có nhiều thời gian để suy nghĩ
Nói ít cho phép chúng ta có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn, xâu chuỗi các dữ kiện và đưa ra giải pháp phù hợp, bởi bộ não chỉ hoạt động tốt khi tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm. Nếu bạn cứ huyên thuyên một cách không có mục đích thì khả năng ra quyết định của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các nhà lãnh đạo thường nói ít hơn và nghĩ nhiều hơn, xử lý thông tin cẩn thận hơn để đưa ra các quyết định tốt hơn.
Nhiều cơ hội để lắng nghe
Có câu nói rằng: “Những ý kiến hay của nhân viên là tài nguyên quý giá của doanh nghiệp, đừng lãng phí điều đó”. Và chỉ bằng cách nói ít và lắng nghe nhiều hơn, nhà quản lý mới có thể tận dụng được những “kho kim cương” đó. Với một người quản lý “thích” nói thì cấp dưới ít có được cơ hội trình bày cặn kẽ vấn đề, vì vậy họ chỉ nắm được bề nổi và giải pháp đưa ra có thể không toàn diện. Tuy nhiên, một nhà quản lý biết “nhường” cơ hội nói cho nhân viên thì họ sẽ tạo được cảm giác gần gũi khiến người khác sẵn sàng “trút bầu tâm sự” và từ đó họ sẽ biết được nhiều thông tin giá trị giúp đưa ra cách giải quyết vấn đề một cách toàn vẹn nhất.
Tạo năng lượng tích cực
Ở môi trường công sở chắc hẳn sẽ tồn tại nhiều trường hợp như chưa hoàn thành tốt công việc, mâu thuẫn nội bộ hoặc làm phật ý sếp… Sẽ thế nào nếu một người sếp luôn “la hét”, chỉ trích không ngừng, thậm chí là vẫn cứ nhắc lại lỗi lầm của nhân viên mãi đến sau này? Một người quản lý thông minh sẽ biết cách tiết chế cảm xúc và hạn chế tối đa sự tức giận của mình bằng những lời nói tác động tiêu cực đến tâm lý của nhân viên. Vậy nên, nếu sếp không kiềm chế được cảm xúc và luôn cáu gắt, la ó khi có sự cố thì nhân viên cũng sẽ trở nên “sợ hãi” và áp lực hơn. Ngược lại, nếu sếp ít nói, giữ được sự điềm tĩnh chỉ ra những lỗi lầm thì nhân viên cũng sẽ nể phục cấp trên của mình, không khí làm việc bớt căng thẳng hơn, từ đó hiệu quả công việc được cải thiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận