Hơn một năm đưa vào sử dụng, khu nhà B3 chỉ có130 sinh viên ở/ 900 chỗ - Ảnh: Ngọc Hùng |
Ký túc xá có 12 tầng chỉ có một sinh viên ở
Khu KTX tập trung sinh viên Đà Lạt nằm trên đường Nguyễn Hoàng (Phường 7, TP Đà Lạt) gồm hai khối nhà 12 tầng mới mẻ, được thiết kế khá hiện đại gồm: Tầng hầm để xe, hệ thống thang máy, phòng điều hành, căng-tin, phòng bảo vệ. Cùng với đó, phòng ở rộng khoảng 40m2, được bố trí 6 - 8 giường, có nhà vệ sinh khép kín, bếp nấu ăn, bàn học... giá cho thuê 32 - 46 nghìn đồng/sinh viên/tháng. Tuy nhiên, hơn một năm qua sinh viên không “mặn mà” với khu KTX hiện đại này. Trong năm học 2014 - 2015 chỉ có duy nhất một sinh viên thuê ở nhưng sau đó cũng bỏ ra ngoài thuê trọ, đến năm 2015 - 2016 KTX vỏn vẹn có 130 sinh viên.
Lối chính dẫn vào khu KTX là con đường đất Nguyễn Hoàng dài 1,7km, “ổ gà, ổ voi” mùa nắng bụi bay mù mịt, mưa xuống sình lầy, trơn trượt đi lại rất khó khăn. Em Nguyễn Văn Bảo (sinh viên Đại học Đà Lạt) cho biết: “Đầu năm học em tính vào KTX ở cho tiết kiệm. Nhưng khi nhìn thấy đường sá lầy lội, lại xa trường học, không có căng-tin phục vụ nên em ra thuê trọ gần trường, tiện đi học thêm”.
“Đột nhập” vào bên trong tòa nhà B3 là cảnh tượng “bỏ hoang”, một số tầng nhà khóa im ỉm, hội trường, khu tự học ghế phủ kín bụi. Toàn bộ khu nhà 12 tầng chỉ lác đác vài sinh viên qua lại. Khu nhà B1 đóng cửa, đường vào hai bên cỏ um tùm, vắng vẻ… Em Phùng Kim Lên (sinh viên năm nhất ĐH Yersin) chia sẻ: “Em vừa chuyển vào KTX được hai tuần, em ở một mình và phải trả tiền thuê nguyên phòng. Phòng ở đầy đủ tiện nghi, phục vụ tốt cho việc học nhưng đường đi khó khăn, cách xa trường học nhưng do em có xe máy nên tạm chấp nhận được, còn mấy bạn đi khác thì không dám ở vì đi bộ tới trường phải mất 45 phút”.
Lỗi tại …con đường!?
Theo ông Võ Văn Lạc, BQL KTX, hiện nay khu nhà B3 chỉ có 130 sinh viên ở. Mặc dù, KTX đã có nhiều biện pháp thu hút sinh viên vào nhưng vẫn bị sinh viên từ chối. Cũng theo ông Lạc, nguyên nhân chính khiến sinh không mặn mà với khu KTX là tại… con đường. Khi xây dựng, chủ đầu tư đã không tính toán đến hạ tầng giao thông nên không thu hút được sinh viên. Đường vào KTX là đường đất, đá lởm chởm, ghồ ghề, sinh viên đi xe máy đã khó, còn đi bộ phải mất 6 km mới tới trường, khiến sinh viên “quay lưng” với KTX.
Khu KTX tập trung sinh viên Đà Lạt được khởi công xây dựng tháng 12/2009, do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Công trình có mức đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng, quy mô rộng hơn 30 ha, gồm 17 khối nhà cùng hệ thống hạ tầng khác đáp ứng chỗ ở cho khoảng 14 nghìn sinh viên. Hiện, công trình đã hoàn thành hai khối nhà B1 và B3 với tổng giá trị hơn 165 tỷ đồng. |
“Để sinh viên vào ở, BQL đã kiến nghị với các đơn vị liên quan làm đường, mở căng-tin, mở tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu thiết yếu cho sinh viên. Tuy nhiên, đơn vị xe buýt thì chờ sinh viên có nhu cầu mới mở. Sinh viên thì chờ có xe buýt mới vào ở, căng-tin cũng vậy nên việc thu hút sinh viên đang gặp khó khăn”, ông Lạc cho biết thêm.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, dự án khu KTX tập trung sinh viên Đà Lạt được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phòng ở cho khoảng 15 nghìn sinh viên theo học tại Đà Lạt. Công trình đã hoàn thành được hai khối nhà B3 và B1, khối nhà B2 chỉ hoàn thiện phần móng. Hiện, nhà B3 đã đưa vào ở, đáp ứng được gần 20% (130/900 chỗ ở). “Nguyên nhân KTX chưa thu hút được sinh viên vào ở là do hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện. Sắp tới sẽ bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống đường và tuyến xe buýt để thu hút sinh viên vào ở”, ông Trung cho biết.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 6573 gửi các sở, ngành liên quan về việc triển khai đầu tư một số hạng mục công trình còn chậm, chưa đồng bộ để thu hút sinh viên vào KTX. Đồng thời, chủ động kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư các dịch vụ, thể dục thể thao, xe buýt... phục vụ nhu cầu thiết yếu của sinh viên.
Theo chỉ đạo trên, dự án nâng cấp đường Nguyễn Hoàng, kết nối hạ tầng giao thông với KTX đã được phê duyệt tổng vốn hơn 26 tỷ đồng, chiều dài 1,7 km. Tuy nhiên, dự án này cũng đang bị chậm tiến độ do thiếu vốn, công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân bàn giao mặt bằng thi công. Vì vậy, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7/2016.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận