Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước QH sáng nay (18/11) |
Đây là một câu hỏi... rất khó!
ĐB Đương nêu vấn đề: Có một thực trạng hiện nay, cán bộ công chức, viên chức, những người có năng lực thì không muốn vào các cơ quan Nhà nước và nếu đã vào rồi ra đi càng nhiều. Trong khi đó, người kém năng lực lại gia tăng. Thế nên người ta mới nói về những người "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Ông Đương đặt câu hỏi: tại sao số công chức chăm chỉ, tận tâm ngày càng ít. Nhưng những người một dạ hai vâng, lười nhác, chỉ thích lãnh đạo ngày càng nhiều? Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến bộ máy hành chính cồng kềnh, làm tăng cơ hội tham nhũng, tiêu cực?
Đáp lại câu hỏi này của ĐB, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng: đây là một câu hỏi... rất khó. Nguyên nhân của tình trạng như ĐB nêu bao gồm: việc sử dụng cán bộ công chức chưa đúng và phù hợp với năng lực từng người; thưởng phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chế độ lương, đãi ngộ chưa được điều chỉnh tương xứng; thi tuyển đầu vào chưa thực sự chọn được những người có năng lực, tâm huyết...
Giải pháp để chấn chỉnh việc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, cần đổi mới cơ chế đánh giá, theo nguyên tắc cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá cấp dưới. Sử dụng, trọng dụng người có phẩm chất, tài năng làm được việc.
"Bộ Nội vụ đang được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, đảm bảo tuyển dụng khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ để vào các cơ quan của Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, DN. Đây cũng là một bước đột phá trong công tác trọng dụng người tài. Thứ hai, chúng tôi cũng đang xây dựng Nghị định trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ và đang trình Chính phủ. Thứ ba, thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển công tác, tinh giản biên chế đối với những người không đáp ứng được công việc. Thứ tư, nghiên cứu chỉ tuyển dụng, bổ nhiệm người có tài năng, trình độ; đồng thời tăng cường kiểm soát trách nhiệm người đứng đầu", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay.
Lãng phí ngân sách vì "lạm phát" cấp phó
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB chất vấn là tình trạng "lạm phát" cấp phó tại nhiều bộ, ngành, sở và địa phương hiện nay. Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), tình trạng "lạm phát" cấp phó diễn ra từ Trung ương cho đến địa phương. Vậy giải pháp của Bộ Nội vụ như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu Bộ Nội vụ thừa nhận đúng là "có tình trạng ấy". "Quy định thứ trưởng dừng lại ở con số 4, nhưng hiện nay bình quân là 5,4; Cấp tổng cục quy định 3, nhưng bình quân là 3,69; Cấp Vụ là 3, nhưng bình quân là 3,04; còn cấp Sở là 3, nhưng bình quân là 3,06. Đúng là bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không tạo đồng thuận cho xã hội", ông Bình nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ, có cái "khó" hiện nay, chẳng hạn như cấp Thứ trưởng không phải quy định "cứng" mà có tính chất cơ động, tức là nếu tăng quá 4 người thì cơ quan có thẩm quyền quyết định. "Bộ Nội vụ nhiều lần đề nghị nên quy định "cứng" nhưng chưa được chấp thuận", ông Nguyễn Thái Bình nói và cho biết, ngay sau khi được phê chuẩn làm đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi đó có 6 thứ trưởng nhưng nay chỉ còn 4 người. "Bộ Nội vụ đã làm gương, nhưng đúng là chưa được lan tỏa sang các bộ, ngành khác", ông Bình nói.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, là do sức ép công việc điều hành của một số bộ, ngành, cơ quan. Ngoài ra cũng do đặc thù của từng ngành, với nhiều công việc. Thêm vào đó là việc người đứng đầu thiếu gương mẫu, tập thể thiếu tính chiến đấu.
"Bộ tiếp tục có thanh tra, kiểm tra để phát hiện việc thực hiện sai, thiếu sót trong quy trình về bổ nhiệm cán bộ. Nếu kiến nghị không được giải quyết sẽ báo cáo lên cấp trên để có hình thức xử lý", người đứng đầu Bộ Nội vụ nói.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận