Công nhân gác chắn đường ngang tại nút giao thông Giải Phóng - Trường Chinh (Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn |
Kỉ luật nghiêm để ngăn chặn vi phạm
Tại cuộc họp về công tác đảm bảo ATGT đường sắt (ngày 19/3), ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, năm 2017 toàn quốc xảy ra 331 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 153 người, bị thương 219 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 50 vụ (-13,12%), giảm 13 người chết (-7,83%), giảm 53 người bị thương (-19,49%). 3 tháng đầu năm 2018 (tính từ ngày 16/12/2017 - 15/3/2018), xảy ra 83 vụ, làm chết 40 người, bị thương 50 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 16 vụ (-16,2%), giảm 5 người chết (-11%), giảm 25 người bị thương (-33%).
Dù tai nạn giảm cả 3 tiêu chí, nhưng theo ông Thạch, gần đây lĩnh vực đường sắt lại xảy ra một số sự cố nghiêm trọng do chủ quan, đe dọa an toàn chạy tàu. Gần đây nhất, ngày 27/2, Ban lái máy kéo tàu khách SE25 đã xác nhận nhầm tín hiệu vào ga Dầu Giây và không quan sát tín hiệu ra ga, để tàu thông qua ga Dầu Giây vào khu gian, suýt đâm vào đoàn tàu hàng ngược chiều.
"Cần rà soát lại hệ thống làm công tác an toàn, các nguyên nhân dẫn đến sự cố do chủ quan để có giải pháp phòng ngừa triệt để. Tăng cường áp dụng KHCN nhằm giảm thiểu tác động của con người; siết lại hệ thống quy trình tác nghiệp cho phù hợp với mô hình mới sau tái cơ cấu; rà soát công tác đào tạo, sát hạch. Phải xử lý kỉ luật thật nghiêm, kể cả người đứng đầu đơn vị để răn đe, người khác mới không dám vi phạm. Nếu để xảy ra tai nạn, còn bị truy cứu hình sự”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, năm 2017 xảy ra 569 sự cố giao thông đường sắt do chủ quan, tăng 11 vụ (1,97%) so với năm 2016; 3 tháng đầu năm 2018 con số này là 120 vụ, tăng 4 vụ (3,45%) so với cùng kỳ 2017. Chủ yếu do các lỗi kĩ thuật thông thường như cháy bầu dầu, bó hãm toa xe…
Thẳng thắn nhận trách nhiệm đã để xảy ra sự cố do chủ quan, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, qua phân tích các vụ việc, nhất là các vụ việc uy hiếp an toàn chạy tàu như ở Dầu Giây, nguyên nhân chủ yếu do lỗi từ yếu tố con người. Dù theo quy trình quy phạm, có 4 lớp giám sát an toàn. Các chức danh liên quan trực tiếp đến chạy tàu như: Điều độ viên chạy tàu, lái tàu, trực ban chạy tàu, trưởng tàu an ninh, nhân viên tuần đường, nhân viên gác chắn đều có sự liên hệ chặt chẽ, giám sát lẫn nhau trong quá trình lên ban làm nhiệm vụ. Nếu một khâu lỡ để ra sai sót, khâu khác phải phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
“Chúng tôi đã phân tích, quy chế nội bộ về công tác này đã đầy đủ. Trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu bảo đảm. Như vậy lỗi là do con người. Chúng tôi đã xử lý nghiêm, hình thức cao nhất là sa thải”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗi chủ quan của con người do thu nhập người lao động đường sắt thấp, nhiều người bỏ việc dẫn đến phải tăng ca hoặc điều chuyển ở bộ phận khác sang nên thiếu kinh nghiệm xử lý.
Những hộ dân hai bên đường tàu không chỉ kinh doanh các dịch vụ, hàng quán mà còn xả đủ loại rác ra đường ray ảnh hưởng an toàn chạy tàu - Ảnh: Tạ Tôn |
Nhiều địa phương vẫn lơ là đảm bảo ATGT đường sắt
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng TNGT đường sắt diễn biến phức tạp gần đây do vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt rất nhức nhối. Hiện có đến 4.232 lối đi tự mở qua đường sắt. Thống kê cho thấy, 69% vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các vị trí giao cắt, trong đó có tới 70% số vụ xảy ra tại lối đi tự mở. Trong khi đó, trên 90% TNGT đường sắt do lỗi người và phương tiện đường bộ.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, hiện nhiều địa phương còn chưa coi trọng công tác đảm bảo ATGT đường sắt. Có địa phương còn chưa triển khai thực hiện đầy đủ Quy chế phối hợp với Bộ GTVT trong công tác này. Cụ thể hơn, theo ông Khôi, hiện có 10 địa phương chưa thực hiện tổ chức cảnh giới tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt như: Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam…
Theo Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, tới đây phải công khai vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hành lang ATGT đường sắt, quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. “Chúng ta cần nói rõ, đây là vi phạm pháp luật. Bởi trong Luật Đường sắt đã quy định trách nhiệm này. Tại sao để phát sinh lối đi tự mở? Người vi phạm trực tiếp đã đành, nhưng chính quyền ở đó có vi phạm không? Chúng ta nói nhiều đến xử lý trách nhiệm, rồi khiển trách, cảnh cáo nhưng nếu có thuật ngữ “vi phạm pháp luật”, thì có khởi tố được không, cơ quan nào khởi tố, đến nay chưa có thông điệp nào về vấn đề này”, ông Hùng bày tỏ quan điểm và kiến nghị cần xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra vi phạm trong cấp đất cho dân, mở quy hoạch khu công nghiệp dọc theo đường sắt.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN với trách nhiệm chính trong vận hành giao thông đường sắt cần đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, căn cơ để đảm bảo ATGT đường sắt. Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt VN cần tăng cường áp dụng công nghệ vào công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, giảm thiểu yếu tố chủ quan do con người. Rà soát kĩ các nguyên nhân dẫn đến tai nạn, sự cố do chủ quan để có biện pháp phòng ngừa, trong đó siết chặt kỉ luật, xử lý trách nhiệm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng thanh tra Cục Đường sắt, Bộ GTVT trong đảm bảo ATGT đường sắt. Các cơ quan trực thuộc Bộ tham mưu văn bản trình Chính phủ để chỉ đạo các địa phương tích cực vào cuộc trong công tác ATGT đường sắt cũng như xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương để xảy ra vi phạm.
“Những gì có thể làm được, cần thực hiện ngay, nhất là những vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ, kể cả trong tích cực kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành để bố trí kinh phí cho hạ tầng đường sắt trong đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận