Các ngân hàng đang gặp khó trong việc cho vay USD vì doanh nghiệp không muốn vay khi tỷ giá tăng - Ảnh: K.Linh |
Nợ công tăng, bội chi ngân sách
Viện trưởng VEPR TS. Nguyễn Đức Thành cho hay, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 gây thất vọng khi chỉ đạt mức 5,46%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015. “Tăng trưởng quý I thường thấp so với các quý trong năm, nhưng năm nay thấp hơn so với năm ngoái là vấn đề”, ông Thành nhận định. Trong khi hạn hán, mất mùa… làm giảm tốc độ tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp thì tăng trưởng công nghiệp cả quý cũng ở mức thấp (6,72%) nếu so với thời kỳ đỉnh cao (14%), khu vực sản xuất không mở rộng nhiều... Đáng chú ý, ước tính tỷ lệ thâm hụt ngân sách chính thức ở mức 6,34% GDP, vượt xa so với kế hoạch 5% mà Quốc hội đã thông qua. “Xác định luôn là năm nay thâm hụt ngân sách sẽ không đạt chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Điều nghiêm trọng là khả năng cải thiện thâm hụt rất hạn chế”, ông Thành nói.
Bày tỏ quan điểm lo ngại về bội chi ngân sách, nợ công tăng cao và nợ nước ngoài tăng vọt, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Hiện nay, các khoản vay của chúng ta đang tăng lên nhanh chóng. Giải pháp giảm chi thường xuyên thì Bộ Tài chính đã có yêu cầu cắt giảm, nhưng dường như chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu kéo dài thì có thể phức tạp với nền kinh tế”.
Nhận định rằng tài chính ngân sách đang là vấn đề “nóng” nhất, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết, khoản tài chính ứng trước của quý trước nay chưa trả được thì đã phải huy động khoản ứng trước của quý sau. “Năm 2016, theo con số chưa công bố, ngân sách năm dùng 24-25% để trả nợ đến hạn. Đây là điều chưa bao giờ có, nó sẽ tác động tới sức gánh của DN và người dân như thế nào?”, ông Lưu Bích Hồ đặt vấn đề.
Bất thường cán cân thanh toán
Báo cáo của VEPR cho thấy, từ quý III/2015, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015. Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong quý III/2015 chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. Trong khi đó, thời điểm này lại xuất hiện tình trạng tiền gửi ở nước ngoài gia tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD. “Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo chặt chẽ. Theo giả thuyết của chúng tôi, diễn biến bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Thành nhận định.
Lý giải về tình trạng trên, ông Phạm Văn Đại, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR phân tích: Trước đây, các ngân hàng trong nước nhận tiền gửi của ngân hàng nước ngoài vì Việt Nam là nền kinh tế thiếu vốn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Việt Nam cũng phá giá tiền đồng, ngân hàng huy động USD nhưng không cho vay được vì DN không muốn vay khi tỷ giá tăng. Lúc này các ngân hàng có giải pháp duy nhất là gửi kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài để vớt vát lại lợi nhuận. “Nếu chúng tôi dự báo đúng thì diễn biến mới này vẫn còn diễn ra cho tới hiện tại, do quy định lãi suất huy động USD về 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn”, ông Đại nói. Chuyên gia này cũng cho rằng, chống đô-la hóa là một chủ trương đúng của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. Khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài.
Lạm phát có nguy cơ quay trở lại Theo khuyến nghị của VEPR, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc Hội. Đi kèm với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết đoán, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ này. Đối với chiến lược chống đô-la hóa, mặc dù đang từng bước loại USD khỏi hệ thống lưu thông và tín dụng, VEPR vẫn cho rằng cần phải có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế, thông qua một thị trường mua-bán ngoại tệ hữu hiệu, quy mô lớn. Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, không đi liền với việc thiết lập thị trường mua bán USD hiệu quả, đang dẫn tới nguy cơ mất cân đối trên thị trường ngoại tệ. Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016. Theo khuyến nghị của VEPR, các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận