Thiết kế tổng thể dự án Bandar Malaysia |
Một thỏa thuận từng được coi là chiến lược giữa Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc với Công ty TRX City do Bộ Tài chính Malaysia sở hữu vừa bất ngờ bị “khai tử”. Rất nhiều nhà phân tích đưa ra các bình luận trái chiều xung quanh nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này.
Bất ngờ khai tử
Dự án bất động sản dân cư và thương mại Bandar Malaysia do Công ty TRX City thực hiện tại một sân bay cũ ở căn cứ không quân Kuala Lumpur trên địa bàn quận Sungai Besi, vốn được đánh giá là chất xúc tác để phát triển kinh tế nói riêng và quốc gia nói chung.
Là dự án phát triển lớn nhất tại Malaysia có vị trí chiến lược quan trọng, Bandar Malaysia được đánh giá sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư và việc làm phong phú. Đồng thời, dự án này cũng biến Bandar Malaysia trở thành khu vực hạt GTVTvới hàng loạt các hạng mục xây dựng nhà ga phục vụ tuyến đường sắt cao tốc nối Thủ đô Kuala Lumpur và Singapore, tuyến tàu điện MRT, tuyến đường sắt Express Rail Link cùng 12 tuyến cao tốc đường bộ khác.
Dự án này ban đầu do Công ty TRX City thuộc Công ty Phát triển 1 Malaysia Development Berhad (1MDB) đầu tư và thực hiện. Nhưng 1MDB gặp bê bối vào năm 2015 nên Công ty TRX City thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Malaysia đã thế chân. Để giải quyết khó khăn, TRX City đã kêu gọi đầu tư và chấp nhận bán 60% cổ phần (tương đương 1,7 tỉ USD) trong dự án này cho công ty liên doanh giữa Iskandar Waterfront Holdings (IWH) và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc (CREC) được gọi tắt là ICSB.
Tuy nhiên, sau hai năm, ngày 3/5 vừa qua, TRX City bất ngờ ra thông báo “khai tử” thỏa thuận. Theo đó, công ty này cho biết, họ chấm dứt thoả thuận cho phép ICSB trở thành nhà phát triển của dự án bất động sản dân cư và thương mại Bandar Malaysia. Lý do phía Malaysia đưa ra là công ty liên doanh Malaysia - Trung Quốc không hoàn thành trách nhiệm chi trả trong mục điều kiện tuân thủ tiên quyết (Conditions Precedent) của hợp đồng. Hiện nay, “Bộ Tài chính đã thu hồi 100% quyền sở hữu dự án để đảm bảo lợi ích của người dân được coi trọng”, thông báo cho biết.
Về phần mình, trong thông báo ngày 5/5, ICSB phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định: “Đến nay, ICSB đã hoàn thành tất cả các trách nhiệm thanh toán. ICSB có đủ tiềm lực tài chính và khả năng để đảm bảo thực thi và điều hành phát triển dự án Bandar Malaysia thành công và suôn sẻ”.
Vì sao liên kết chiến lược liên quốc gia đứt đoạn?
Nhiều chuyên gia theo dõi sát sao sự việc đã nhận định một số lý do khiến mối liên kết chiến lược và đầy tiềm năng liên quốc gia này bị đứt đoạn. Nhà phân tích kinh tế vĩ mô, TS.Hoo Ke Ping cho rằng, Trung Quốc không bật đèn xanh cho dự án này vì họ không đủ khả năng để đầu tư do bị kiểm soát vốn quá nghiêm ngặt.
Theo TS.Hoo, “tất cả các dự án mà Trung Quốc ký kết từ năm 2015 đến nay được cam kết mà không qua đánh giá cẩn thận tình hình tài chính đang chuyển biến xấu của Trung Quốc. Vì vậy, đến nay, các dự án của Trung Quốc (dù là tư nhân hay Nhà nước), nếu không phải là dự án chiến lược, họ sẽ rút ngay. Chiến lược ở đây có nghĩa là mang lại lợi ích địa chính trị cho Trung Quốc”.
Theo ông Hoo, một lý do khác là: Trước đây, dự án đầu tư vào Bandar có thể có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc nhưng nay đã không còn. Bởi, Bắc Kinh nhận thấy, qua dự án này, họ vẫn không nhận được hợp đồng đường sắt cao tốc nối Singapore - Malaysia, trong khi Nhật Bản đang có lợi thế tốt hơn.
Thực tế, tờ Channel News Asia dẫn nhiều nguồn tin trong nội bộ dự án cho biết, sở dĩ, Bắc Kinh đầu tư vào dự án Bandar vì họ tin, có thể giành được hợp đồng phát triển đường sắt cao tốc Singapore - Malaysia trị giá 23 tỉ USD. Lúc đó, Malaysia hứa hẹn sẽ cố hết sức giúp đỡ Trung Quốc thắng thầu dự án này. Nhưng, nay, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ giành được dự án khiến Trung Quốc phật lòng.
Mặt khác, một số nguồn tin nhận định, động cơ chính khiến Bộ Tài chính Malaysia từ bỏ thỏa thuận này vì phía Trung Quốc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm thanh toán. Một số nguồn thạo tin cho biết, việc Malaysia ra quyết định bất ngờ như vậy cho thấy, họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích chiến lược trong dự án Bandar từ lâu.
Nguồn tin của Channel News Asia cũng khẳng định, Malaysia tự tin có đủ thời gian để tìm đối tác đầu tư mới với điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, lần này, Malaysia có lẽ cần cẩn thận hơn khi đưa ra các điều khoản hợp đồng để tránh bị chỉ trích là “bán tháo” cho Trung Quốc như thỏa thuận trước đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận