Thông báo này này thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ trong nước Thái mà còn khu vực và rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh sự kiện này.
Thái Lan giàu cỡ nào?
Trước hết, nhiều người đặt câu hỏi Thái Lan giàu cỡ nào mà sẵn sàng phát cho mỗi người dân 10.000 baht để chi tiêu?
Thái Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Tính đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của nước này là 247.828 baht (7.651 USD), đứng thứ tư về GDP bình quân đầu người ở Đông Nam Á, sau Singapore, Brunei và Malaysia.
Quốc gia này từng được Ngân hàng Thế giới công nhận là "một trong những câu chuyện thành công vĩ đại về phát triển" khi xét đến các chỉ số xã hội và phát triển khi tỷ lệ người dưới mức nghèo quốc gia đã giảm từ 65,26% năm 1988 xuống còn 8,61% vào năm 2016.
Các ngành công nghiệp và dịch vụ là những ngành chính trong tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan, trong đó ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 39,2% GDP.
Đồng tiền baht Thái, được xếp hạng là loại tiền thanh toán thế giới và được sử dụng thường xuyên thứ mười trong năm 2017.
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19 nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến suy thoái kinh tế vào năm 2020, tăng trưởng giảm 6,1% so với năm trước. Suy thoái thậm chí nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chỉ đứng sau đợt suy thoái năm 1998.
Trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan đang trì trệ, giới chức nước này cho rằng, chính sách 10.000 baht sẽ giúp tạo ra hiệu ứng với nền kinh tế có thể gấp 4 lần số tiền được phát, nâng mức tăng trưởng kinh tế trong năm tới lên 5%, từ mức dự báo 2,8% năm nay.
Theo đó, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử để chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể.
Tổng số tiền cần cho kế hoạch này là 560 tỷ baht sẽ được chi trong 6 tháng.
Nguồn tiền là từ ngân sách nhà nước và các khoản thuế bổ sung mà không cần vay mới, không ảnh hưởng tới kỷ luật tài chính của đất nước.
Đây là một trong những chính sách được Thủ tướng Srettha cam kết từ khi tranh cử Thủ tướng nhằm phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Mỹ, Nhật Bản, kế hoạch có thể làm tăng thâm hụt tài chính, hạn chế khả năng chịu những cú sốc kinh tế trong tương lai của Thái Lan.
Tại sao dùng tiền điện tử mà không phải tiền mặt?
Tiền điện tử là loại tiền được tạo ra bằng cách sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối).
Tại Thái Lan, người ta thường biết đến loại tiền có tên đồng baht kỹ thuật số và Ngân hàng Thái Lan có kế hoạch phát hành Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC).
Các cá nhân có thể lưu trữ và quản lý tiền kỹ thuật số của mình bằng ví kỹ thuật số.
Song, trong chương trình mới, Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) của Thủ tướng Srettha có kế hoạch phát triển ví kỹ thuật số mới dưới dạng mã token tiện ích, đây không phải là một loại tiền tệ mới mà là đại diện của đồng baht trên nền tảng kỹ thuật số.
Token tiện ích được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch (gửi và nhận thanh toán) bằng công nghệ blockchain. Một mã token kỹ thuật số tương đương với một baht.
Token kỹ thuật số không thể được trao đổi lấy các loại tiền tệ khác mà được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ việc phân phát tiền kỹ thuật số trị giá 10.000 baht nhằm kích thích nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định của ngân hàng trung ương đối với token tiện ích không cho phép sử dụng loại token này làm phương tiện thanh toán. Như vậy, để triển khai, đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) phải thảo luận sửa đổi các quy định với cơ quan quản lý.
Điều kiện sử dụng ví kỹ thuật số là gì?
Tiền kỹ thuật số có thể được dùng để mua hàng hóa nhu yếu phẩm hàng ngày trừ các loại mặt hàng bị cấm như thuốc lá, rượu, một số sản phẩm online…
Loại tiền này không được sử dụng để trả nợ hay chuyển sang tiền tệ truyền thống, ngoại trừ những người bán đã đăng ký theo hệ thống thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, loại tiền này chỉ có thể được sử dụng để mua sắm tại một số cửa hàng, doanh nghiệp nằm trong phạm vi 4 km từ địa chỉ của người nhận. Mục đích là để kích thích kinh tế địa phương, ngăn chặn tình trạng dư thừa thu nhập ở khu vực thành thị.
Khoản tiền này có giá trị trong 6 tháng. Người dùng không cần đăng ký mới tiếp cận được ví điện tử mà người dùng chỉ cần tải ứng dụng ví quốc gia mới và nhận tiền.
Đảng Vì nước Thái cho biết họ đang hướng đến điều chỉnh một số điều kiện, đặc biệt là quy định hạn chế bán kính 4km để tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng.
Họ có thể mở rộng khu vực được phép chi tiêu để giúp người dân sống ở khu vực vùng sâu vùng xa, nơi có ít cửa hàng đủ điều kiện ở trong phạm vi bán kính 4km – ông Phaophum Rojanasakul, Phó tổng thư ký, người phát ngôn Ủy ban kinh tế thuộc đảng Vì nước Thái cho biết.
Trước đây, Đảng Vì nước Thái đã nghiên cứu mô hình ví điện tử nhiều lần.
Với sự hỗ trợ bảo đảm an toàn của công nghệ chuỗi khối, ví điện tử có thể giảm tối thiểu rủi ro tài chính và đưa ra một kênh an toàn cho nhiều loại giao dịch tài chính vì hoàn toàn có thể truy vết được.
Hơn nữa, không có sự đầu cơ hay biến động về giá trị tiền vì ví kỹ thuật số không phải là một loại tiền tệ mới hay một dạng tiền điện tử, do đó đây được đánh giá là một hệ thống đáng tin cậy, Đảng Vì nước Thái cho biết.
Bên cạnh đó, các điều kiện được phép nhận tiền có thể được ấn định tùy theo độ tuổi, mức chi tiêu dựa trên công nghệ chuỗi khối.
Tại sao Thái Lan chọn con số 10.000 baht/người?
Giải thích về vấn đề này, ông Phaophum cho biết: "Số tiền này có thể khuyến khích một hộ gia đình đầu tư hơn là chi tiêu thông thường. Chẳng hạn, nếu một hộ gia đình có 10 thành viên và tất cả đều đủ tiêu chuẩn để hưởng tiền trợ cấp thì gia đình này có thể nhận tổng cộng 100.000 baht. Với một số gia đình, con số đó có thể đủ để mở một cửa hàng nhỏ, mua thêm nguyên vật liệu thô hoặc đầu tư để tăng thu nhập gia đình".
Nếu số tiền tặng thấp hơn như 5.000 baht/người hoặc cấp tiền mặt thì người nhận sẽ sử dụng tiền cho chi tiêu thông thường, tạo ra hiệu ứng thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc chọn sử dụng ví điện tử thay vì tiền mặt thông thường có thể tạo ra hạ tầng thanh toán điện tử và kích thích kinh tế.
Ông Sathapon Patanakuha, Giám đốc điều hành công ty SmartContract Blockchain Studio cho biết, mô hình này có thể giúp thúc đẩy kinh tế và cải thiện năng lực kỹ thuật số của đất nước.
Hạ tầng thanh toán kỹ thuật số mới có thể giúp chính phủ thúc đẩy một số chính sách cụ thể và trợ cấp vào những lĩnh vực mục tiêu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Sathapon nói.
Nền tảng này sẽ được thiết kế dựa trên tầm nhìn và tuỳ vào các trường hợp sử dụng nên đòi hỏi sự kết hợp giữa công nghệ chuỗi khối và các công nghệ khác.
Chính phủ mới sẽ mời các đơn vị phát triển ví điện tử sẵn có và ứng dụng điện thoại ngân hàng tham gia vào mô hình này.
Là một doanh nhân về blockchain, ông Sathapon khẳng định ông ủng hộ dự án này vì có thể thúc đẩy năng lực kỹ thuật số của Thái Lan, việc tăng cường tiếp cận ví điện tử sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiềm năng của đất nước.
Ông Dome Charoenyost, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Tokenine Co, cho biết với tư cách là nhà phát triển blockchain, ông cùng các đồng nghiệp trong ngành đã khuyến khích chính phủ thúc đẩy việc áp dụng công nghệ blockchain.
Nhưng phải sử dụng một cách phù hợp và tiết kiệm chi phí để tối đa hóa lợi ích của công nghệ này.
Ông Thanachart Numnonda, người sáng lập Viện IMC, cho biết có nhiều ứng dụng ví kỹ thuật số, trong đó có Pao Tang, đang có sẵn lượng khách hàng lớn nên không cần phải xây dựng ví kỹ thuật số mới.
Ông Thanachart cho biết, chính phủ có thể chuyển tiền qua Pao Tang và các ứng dụng ví kỹ thuật số khác bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu trung tâm của đất nước.
Việc sử dụng công nghệ blockchain và ví kỹ thuật số trong chương trình này có thể đóng vai trò là khúc dạo đầu cho việc triển khai CBDC của ngân hàng Trung ương Thái Lan.
Chính phủ (do liên minh đảng Vì nước Thái dẫn đầu) sẽ khởi động chương trình phát tiền vào quý đầu tiên của năm 2024, trong đó nỗ lực đảm bảo phát tiền vào tháng 4, đúng dịp lễ hội Songkran để khuyến khích chi tiêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận