Nhờ lắp đặt công nghệ hiện đại, thủ tục xuất bến của mỗi xe chỉ trong 2 phút |
Hành khách, doanh nghiệp đồng tình
Ngày 2/11, PV Báo Giao thông có mặt tại bến xe trung tâm TP Thái Nguyên mới nằm ở phường Đồng Quang và phường Tân Thịnh (TP Thái Nguyên) ghi nhận sự ngăn nắp, trật tự của một bến xe hiện đại. Tài xế xe khách BKS 20B-010.39 chạy tuyến Thái Nguyên - Hải Hậu (Nam Định) cho biết sau 3 tháng về bến mới, thấy rất ổn. “Bến rộng rãi, không có cảnh lộn xộn, tranh giành khách. Nhờ công nghệ hiện đại, thời gian làm thủ tục xuất bến cũng chỉ mất 2 phút bằng 1/4 thời gian ở bến cũ”, lái xe BKS 20B-010.39 nói.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Chùa Hang cho hay, từ khi hơn 80 đầu xe của HTX chuyển về bến mới, hoạt động kinh doanh của HTX ổn định, tài xế, phụ xe phấn khởi vì bến có vị trí thuận lợi vì nằm ở gần nút giao thông lớn. Việc di dời nhưng vẫn giữ nguyên thời gian xuất bến của các xe khiến hoạt động kinh doanh của HTX không bị xáo trộn.
Bến xe Thái Nguyên mới có tổng diện tích 43.411,73m2, 68 vị trí đón khách, 29 vị trí trả khách; diện tích bãi đỗ xe chờ vào vị trí đón trả khách là 5.051,71m2; diện tích bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác 2.253,7m2; diện tích phòng chờ cho hành khách gần 1.000m2 với tối thiểu 444 chỗ ngồi. Công suất bến đáp ứng nhu cầu 1.632 lượt/ngày - đêm. Tổng số tiền đầu tư bến là 62 tỷ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. |
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, chủ đầu tư bến xe mới, ông Phạm Đăng Thiện chia sẻ, việc bến xe quản lý theo công nghệ hiện đại, xe ra/vào quẹt thẻ để lưu lại thời gian xe đỗ đậu trong bến. Các thông tin này được kết nối với bộ phận điều độ: “Nếu đến giờ xuất bến, tài xế rùa bò quá thời gian quẹt, thẻ sẽ bị khóa và nếu mở lại phải trả phí 120.000 đồng/lượt nên các xe đều chấp hành nghiêm. Bến cũng đang hoàn thiện phần mềm thanh toán bằng thẻ tài chính cho các xe, để rút ngắn quy trình và đảm bảo minh bạch. Phần mềm bán vé trên mạng cũng đang được triển khai để nhằm giảm ùn tắc mua vé mỗi dịp lễ Tết và dễ dàng điều tiết lượng xe dự phòng”, ông Thiện nói.
Thường xuyên đi tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, chị Ngô Thùy Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Có lần xe rời bến Thái Nguyên từ 12h trưa, đến 13h xe vẫn vị trí cách bến… 3km. Từ Thái Nguyên về Hà Nội có hơn 70km mà xe thường chạy hơn 3 tiếng. Từ khi chuyển sang bến mới, chỉ xấp xỉ 2 giờ là về đến nơi”.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, do thực trạng bến xe cũ chưa đầy 9.000m2, trong khi lượng hoạt động tại bến lên đến hơn 600 xe chạy 118 tuyến ngày/đêm, nên thường xuyên ùn tắc cả trong bến và tuyến đường trước cửa bến.
Thực hiện quy hoạch đã phê duyệt, tỉnh giao Công ty CP Vận tải Thái Nguyên làm chủ đầu tư dự án xây dựng bến xe mới do đơn vị có quỹ đất rộng, ở địa thế giao thông tiện lợi và không phải GPMB. Dự án khởi công đầu tháng 12/2015, hoàn thành tháng đầu tháng 7/2016 và đủ điều kiện khai thác sử dụng. Sau 1 tháng vận hành thử và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an ninh trật tự, ATGT, từ ngày 1/8, Sở GTVT đã chuyển 70% số lượng xe ở bến cũ sang bến mới và đến ngày 1/11 toàn bộ số xe còn lại đã được chuyển nốt. Việc di dời rất thuận lợi, các nhà xe đều ủng hộ bởi bến được di dời theo nguyên tắc giữ nguyên biểu đồ chạy xe. Tại bến xe mới, lộ trình các xe xuất bến đều không được quay lại trung tâm thành phố, lực lượng TTGT, CSTT được bố trí ngay cửa ra bến, xử lý nghiêm các xe quay đầu vào nội đô thông qua camera giám sát.
Người lao động yên tâm
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, vấn đề lãnh đạo tỉnh và Sở GTVT trăn trở khi thực hiện chủ trương di dời bến xe chính là người lao động tại bến xe cũ. Do đó, khi lập dự án, tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư có những cam kết về nhân sự. Trên cơ sở xã hội hoá nhưng phải làm tốt công tác xã hội, khi bến xe mới đi vào hoạt động đã tiếp nhận 53/75 lao động từ bến xe cũ, sắp xếp việc làm cho phù hợp với năng lực từng người. 7 lao động của bến xe cũ có nhu cầu nghỉ hưu trước tuổi. Những nhân sự còn lại sẽ được sắp xếp vào các bến xe trong quy hoạch theo nguyện vọng và năng lực. Với những người nghỉ hưu sớm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành vận dụng chế độ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các quyền lợi được hưởng, phía chủ đầu tư cũng chủ động hỗ trợ thêm 50 triệu đồng/người.
“Đến thời điểm này, việc di dời bến xe cũ sang bến xe mới đã giải quyết được nhu cầu xã hội là giảm ùn tắc giao thông trong thành phố; bến mới được đầu tư hiện đại, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp vận tải và nhân dân. Bài toán người lao động đã được Sở vận dụng kết hợp với nhà đầu tư linh hoạt thực hiện đúng chính sách, có hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động”, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên nhìn nhận.
Ông Hồ Văn Mậu, Tổ trưởng Tổ Điều động bến xe mới Thái Nguyên cho hay, khi chuyển công tác sang bến xe mới, anh em được sắp xếp công việc phù hợp nên cảm thấy yên tâm. “Với sự hiện đại, tiện ích của bến xe mới, cùng chính sách thu hút doanh nghiệp mở tuyến mới tại bến như miễn 100% phí bến bãi 3 tháng đầu, 50% 3 tháng tiếp theo… chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng và doanh nghiệp vận tải, từ đó công việc sẽ ổn định hơn đồng thời có cơ hội tăng thu nhập”, ông Mậu cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận