Quản lý

Vì sao thị trường thuyền viên Việt Nam vẫn bấp bênh?

11/12/2019, 17:26

Thị trường thuyền viên Việt Nam vẫn thiếu ổn định do tình trạng thợ lành nghề bỏ việc, thủy thủ trẻ chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.

img
Thời điểm cuối năm 2019, việc tuyển dụng thủy thủ của các chủ tàu vẫn gặp nhiều khó khăn do số lượng lao động không đủ đáp ứng - Ảnh minh họa

Đại diện Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, hiện nay, thị trường thuyền viên “đánh thuê” cho tàu nước ngoài tương đối sôi động. Một số tàu châu Âu đang trả mức lương khá hấp dẫn.

Đơn cử với chức danh Phó 2 là 2.200 USD/tháng, Phó 3 là 2.000 USD/tháng. Trên tàu biển Trung Quốc, chủ tàu hiện cũng trả cho chức danh Phó 2 là 1.800 USD/tháng và 1.600 USD/tháng cho chức danh Phó 3.

“Đối với thủy thủ có kinh nghiệm (AB), hầu hết các chủ tàu đang trả từ 800 - 900 USD/người/tháng. Một số chủ tàu Việt Nam cũng nâng lương cho thủy thủ AB từ 10 - 12 triệu/tháng lên 12 - 14 triệu/tháng. Tuy nhiên, lực lượng thủy thủ cấp AB của Việt Nam rất thiếu, không đáp ứng được khối lượng tuyển dụng của chủ tàu”, đại diện này cho hay.

Theo ông Nguyễn Quế Dương, Trưởng ban Quản lý thuyền viên và tàu biển (Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines), lực lượng lao động thuyền viên cần phải có phục vụ cho việc phát triển đội tàu biển Việt Nam đang thiếu hụt khá trầm trọng cả về số lượng và chất lượng.

“Thậm chí, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa XNK gia tăng, nhiều hãng tàu tư nhân hình thành còn tranh giành thuyền viên với đội tàu thuộc các DN có vốn sở hữu Nhà nước. Điều đó khiến không ít DN vận tải biển, kể cả DN thuộc Vinalines phải sử dụng cả thuyền viên Ấn Độ đi trên các tàu của mình”, ông Dương chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Hồng Khánh, cán bộ phòng tuyển sinh Trường Cao đẳng Hàng hải 1 cho rằng, nguồn thuyền viên của Việt Nam bấp bênh một phần do nhiều người bỏ nghề đi biển, lên bờ làm để được gần gia đình, phần khác là do có nhiều học viên mới tốt nghiệp đang ở giai đoạn thực tập (chức danh OS), chưa đủ điều kiện để ứng tuyển vị trí AB.

“Sang năm 2020, các thủy thủ cấp OS sẽ lên cấp AB khi đủ 12 tháng thực tập trên tàu, khi đó, đội ngũ thủy thủ Việt Nam sẽ dồi dào hơn, đáp ứng được nhu cầu của cả chủ tàu trong và ngoài nước”, ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, hiện nay, số người theo học các lớp sơ cấp đang có xu hướng tăng nhanh so với số người theo học hệ chính quy.

Riêng trường Cao đẳng Hàng hải 1, năm 2019, số học viên tham gia học hệ sơ cấp ngắn hạn (3 - 6 tháng) đạt gần 1.000 học viên, tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Trong khi đó, số lượng học viên ứng tuyển vào hệ đào tạo chính quy chỉ đạt hơn 250 người. Thực trạng này nếu kéo dài, sau khoảng 2 năm nữa, nguồn thuyền viên Việt Nam sẽ rơi vào cảnh “thừa thợ, thiếu thầy” thay vì “thừa thầy, thiếu thợ" như hiện tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.