LTS: Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới.
Với khoảng 1.500 chữ, được soạn thảo trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh cách mạng, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và công cuộc kiến thiết nền văn hóa.
Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Báo Giao thông giới thiệu loạt bài nêu ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia về những việc cần làm tới đây để kiến thiết nền văn hóa dân tộc.
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử
Phải coi văn hóa là một mặt trận
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông tại họp báo thông tin về các sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nhìn nhận từ bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã có những phát triển rất mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
"Có những thời điểm ở đâu đó, văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân, thì việc vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa để văn hóa Việt Nam thật sự phát triển mạnh mẽ là việc rất quan trọng".
Kế thừa giá trị từ Đề cương về văn hóa Việt Nam, bà Phương tin rằng, tất cả chúng ta đều mong muốn coi văn hóa là một mặt trận. Khi đã coi văn hóa là một mặt trận thì phải có sự đầu tư, để văn hóa thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”. Và tập trung ưu tiên, kích hoạt cho sự phát triển cho văn hóa ngang hàng với các ngành kinh tế, giao thông hay giáo dục. Đây cũng là câu chuyện của nhiều bộ ngành khác nhau.
Văn hóa chưa được đầu tư đúng mức
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, Việt Nam được coi là một trong không nhiều quốc gia giàu có về mặt văn hóa. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới chiếm 3,61% nghĩa là mới chỉ mức trung bình của thế giới.
"Chúng ta thực sự mong muốn văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần được đầu tư đúng mức. Chúng ta chưa có Luật văn hóa. Luật Đầu tư cũng cần phải bổ sung, điều chỉnh về chính sách hợp tác, giúp văn hóa có những chính sách ưu đãi tốt. Xa hơn nữa là chính sách liên quan đến các quỹ văn hóa và làm sao để các quỹ được triển khai hiệu quả", bà Phương nhận định.
Nhắc lại câu chuyện của phát triển vượt bậc của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc, bà Phương phân tích. Gần đây, điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc đến ẩm thực, game show Hàn Quốc… đã lan tỏa trên toàn thế giới. Sự phổ biến này chính là kết quả của Hallyu - làn sóng văn hóa mạnh mẽ của Hàn Quốc, được khởi xướng từ năm 2013.
Trong khi đó, từ năm 2011, Trung Quốc cũng đã nêu ra nhiệm vụ thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc dân. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc vượt mức 190 tỷ USD, trở thành quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu, thống trị thị trường công nghiệp văn hóa toàn cầu vào năm 2014, đúng sau 3 năm.
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Là người dành nhiều năm nghiên cứu về văn hóa của các nước trên thế giới, bà Phương giải thích, có nhiều lý do khiến Hàn Quốc, Trung Quốc... có ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Bởi năm 1997, Hàn Quốc đứng trước sự khủng hoảng, lựa chọn duy nhất của họ là phát triển công nghiệp văn hóa và họ có những bước đi bài bản cho cả tác phẩm văn hóa đại chúng lẫn tác phẩm đỉnh cao.
"Ngày hôm nay, phim "Ký sinh trùng" hay “Quyết tâm chia tay” đã là một câu trả lời rõ ràng cho con đường của họ. Tức là, bên cạnh những tác phẩm có doanh thu lớn, còn có tác phẩm định vị giá trị Hàn Quốc ra thế giới.
Một trong điều khiến công nghiệp văn hóa Trung Quốc phát triển, đó là họ có những mô hình thí điểm, theo kiểu "dò đá qua sông", vừa làm vừa chỉnh sửa. Thậm chí, Trung Quốc có thuế xuất về văn hóa bằng 0.
Hay như Nhật Bản, họ cũng có những tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc bản và nghệ nhân được tập trung nguồn lực để phát triển. Họ xây dựng được cơ chế tự chủ, không tính đến sự đặc thù của các loại hình nghệ thuật.
Vậy, chúng ta sẽ làm thế nào để văn hóa được ưu tiên để phát triển, câu chuyện này một mình Bộ VH,TT&DL không thể làm được nếu không có sự chung tay, cùng thay đổi của các cơ quan bộ, ngành", lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: “Khi đã coi văn hóa là một “mặt trận” thì phải có sự đầu tư cho mặt trận đó, để văn hóa thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”
Thiếu nguồn nhân lực trong ngành văn hóa
Bàn về chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL trả lời Báo Giao thông : "Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT, Bộ VH,TT&DL đều có đề án, trao học bổng cho học sinh, sinh viên gửi đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Đó là đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”.
Ông Đông cho biết, Bộ VH,TT&DL có đầu mối liên hệ với tất cả các trường nghệ thuật hàng đầu thế giới ở Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc..
Những năm qua, Bộ đã trực tiếp gửi sinh viên các ngành điện ảnh, âm nhạc tới các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Trong năm tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng với các bạn nhỏ tuổi hơn và ở ngành khác như múa, xiếc...
Ông Tạ Quang Đông trả lời Báo Giao thông tại họp báo thông tin về các sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023)
Về chính sách bổ nhiệm cán bộ trong ngành văn hóa, sau khi Nghị định 101/2020/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, việc bổ nhiệm lãnh đạo ở các Sở Văn hóa được phân cấp xuống địa phương.
Đồng ý rằng, có lúc có nơi việc bổ nhiệm còn chưa đúng, có cán bộ chưa đủ năng lực nhưng tôi tin với mỗi chức vụ, đặc biệt là trưởng các đơn vị, các địa phương đã rất cân nhắc. Càng về sau này họ càng chú ý tới việc phát triển văn hóa, du lịch, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu.
Đặc biệt, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai cùng với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến năm 2022, sự chú ý đầu tư xây dựng, con người và công tác tổ chức ở các địa phương đã rất tiến bộ.
Nhiều tỉnh, thành phố có đề án xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố văn hóa, giảng dạy âm nhạc truyền thống trong trường học... Đây là định hướng hiệu quả cụ thể, thiết thực".
Công nghiệp văn hóa - theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) - là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.
Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa là văn hóa, nghệ thuật, song quá trình tạo thành sản phẩm công nghiệp văn hóa không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, mà bắt đầu từ sáng tạo để một quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận