Thế giới

Vì sao Uber bị chỉ trích ở Mỹ?

29/11/2014, 05:17

4 năm qua, Uber sáng lập và tiên phong trong dịch vụ đi chung xe hơi, thậm chí nó được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn xe cá nhân... Nhưng ngay tại Mỹ, Uber cũng đối mặt với những chỉ trích và tẩy chay...

Biểu tình phản đối Uber ở New Orleans (Mỹ)
Biểu tình phản đối Uber ở New Orleans (Mỹ).

Uber theo dõi đời tư các nhà báo đã từng chỉ trích họ

Uber là một trong những doanh nghiệp mới có giá trị gia tăng nhanh nhất ở Silicon Valley, nó còn tạo dựng được tiền đồ ở nhiều nơi trên thế giới. Giá trị của Uber tăng thêm 1,5 tỷ USD, đạt hơn 17 tỷ USD sau 4 năm. Tuy nhiên Uber đang phải đối mặt với một loạt rắc rối về hình ảnh, thương hiệu khi trót bộc lộ sự xấu xí và những phản ứng thái quá trong nhiều sự việc. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư, nhân viên tiềm năng và khách đi xe nhìn Uber một cách tiêu cực.

Đầu tuần trước, giám đốc điều hành Emil Michael của Uber công khai trên Buzzfeed ý định điều tra cuộc sống riêng tư của các nhà báo từng chỉ trích Uber. Điều này khiến cho những tin tức tiêu cực về Uber ngày một nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nền tảng khi xây dựng Uber là dựa trên văn hóa nhưng ít ai hiểu nuôi dưỡng một văn hóa riêng theo cách như Uber đang làm sẽ khiến kế hoạch kinh doanh thất bại nhanh hơn chúng ta có thể tưởng tượng.

Jan Dawson, một chuyên gia phân tích độc lập nói: “Thực ra có nhiều chuyện tốt khác bên cạnh câu chuyện về cách hành xử xấu của lãnh đạo Uber có thể kể ra như việc họ cạnh tranh với đối thủ hơn là chuyện giám đốc điều hành của họ bày tỏ ý định theo dõi các phóng viên. Nguy cơ bây giờ là chuyện xấu bắt đầu trở thành cái khiến người ta nghĩ tới mỗi khi nhắc đến Uber thay vì dịch vụ tốt hay giá tốt mà Uber đang cung cấp cho khách hàng”.

Sau câu chuyện về theo dõi phóng viên được lan truyền, Travis Kalanick – Tổng giám đốc điều hành Uber đã công khai xin lỗi trên Twitter về hành động của Emil Michael đồng thời cho rằng: “Những lời nói gần đây của Emil trong buổi tiệc tối thật sự kinh khủng nhưng hoàn toàn không đại diện cho công ty”. Tuy nhiên ông Travis cũng không đề cập rõ ràng về tương lại của Emil ở Uber.

Văn hóa quyết định sự tồn tại và suy tàn của các công ty công nghệ. Người làm việc ở Silicon Valley thường có câu cửa miệng: “Văn hóa ăn sáng bằng cách ngấu nghiến các chiến lược”. Điều đó có nghĩa là thành công hay thất bại của một công ty công nghệ phụ thuộc vào cách hành xử, giá trị của người làm việc trong đó nhiều hơn là các sản phẩm công nghệ họ cung cấp.

Câu nói này đặc biệt đúng cho trường hợp của Uber – một công ty vô hình. Vô hình vì nó không sở hữu bất cứ chiếc xe nào, tài xế của Uber là những người hoàn toàn tự do, thích thì họ tham gia, khi không thích thì chuyển qua làm cho công ty đối thủ, khách hàng của Uber cũng tương tự, chỉ cần một cái click chuột là họ chuyển qua dùng dịch vụ khác.

img

Lo ngại bị xâm hại, quấy rối

Vấn đề xa hơn nữa là mặc dù phát triển nhanh nhưng Uber vẫn là dịch vụ mới, còn rất nhiều người chưa bao giờ sử dụng Uber. Nếu như thương hiệu Uber đồng hành cùng với nhận diện “hành xử tồi” thì liệu mọi người có còn hứng thú sử dụng Uber nữa hay chuyển qua đối thủ của nó là Lyft hoặc gọi luôn một chiếc taxi cho nhanh.

Trên thực tế, Uber đã dính một số lời buộc tội khá nghiêm trọng. Giao thừa năm ngoái, một tài xế Uber đâm phải một gia đình nhập cư ở San Francisco làm một em bé 6 tuổi thiệt mạng dẫn đến một vụ kiện tụng chống lại công ty. Ngoài ra, còn có những cáo buộc tài xế Uber quấy rối tình dục khách hàng. Trong khi đó, một số tài xế của Uber đã biểu tình phản đối chế độ lương thưởng và điều kiện làm việc. Mùa hè 2014, tờ Verge đưa tin Uber đã tiến hành một chiến dịch rầm rộ tuyển dụng một loạt tài xế của Lyft khiến hàng ngàn chuyến đi của khách hàng Lyft phải bị hủy bỏ.

Ông Kalanick sau đó nói với tờ Vanity Fair rằng, ông đã cố gắng hạn chế kế hoạch kêu gọi đầu tư của Lyft bằng cách thu hút các nhà đầu tư và cảnh báo rằng bất cứ ai bỏ tiền vào Lyft sẽ không bao giờ có cơ hội đầu tư vào Uber.

img

Trước đó, một vài khách hàng cũng bày tỏ lo lắng Uber không có chính sách bảo vệ bí mật của người sử dụng dịch vụ, tài xế Uber có thể theo dõi hành trình của khách hàng một cách tự do.

Đáp lại những lo ngại này, Uber cho biết họ áp dụng chính sách rất nghiêm khắc nhằm cấm nhân viên và tài xế ghi lại hành trình và thói quen đi lại của khách hàng. Tuy nhiên, trước lời tuyên bố theo dõi cánh phóng viên của ông Emil, nỗi lo ngại này lại dâng cao, người ta tự hỏi vậy thì ở Uber, giới hạn của sự riêng tư ở mức nào.

Xem ra những lời xin lỗi công khai của tổng giám đốc điều hành Uber cũng khó có thể giải quyết hết rắc rối do thuộc cấp lỡ miệng. 

Hãy nhìn vào thất bại của Myspace

Uber và những nhà đầu tư của nó tin rằng mục tiêu lâu dài của công ty là đổi mới giao thông để trở thành một dịch vụ taxi rồi tiến tới thay thế cho cả xe hơi cá nhân. Mục tiêu này chỉ có thể thực hiện thành công khi Uber giành được niềm tin của nhiều người. Ông Dawson cho rằng Uber chưa thực sự gặp nguy cơ đánh mất niềm tin của khách hàng, chắc chắn nó sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Rắc rối có thể sẽ đến khi Lyft và các đối thủ cạnh tranh khác trở thành một lực lượng mạnh mẽ, thống trị sẻ chia thị phần Uber đang nắm giữ. Dawson nói: “Ở những nơi như San Francisco nơi mà bạn có rất nhiều lựa chọn về dịch vụ đi xe taxi chung thì chắc chắn Uber cũng bị ảnh hưởng nhất định. Nhưng ở nhiều nơi khác, mọi người chả có lựa chọn nào ngoài Uber cả”.  

Thực tế, Uber không phải là mô hình kinh doanh đầu tiên đạt được sự thành công ngay từ khi bắt đầu rồi nhanh chóng đối mặt với bóng đen của sự đi xuống bởi các vấn đề rắc rối về hình ảnh, về văn hóa hành xử.

Myspace là một ví dụ. Mạng xã hội này đã từng làm mưa làm gió cho đến khi những rắc rối trong nội bộ cùng việc coi nhẹ sự riêng tư của hàng triệu người sử dụng Myspace ở tuổi thanh thiếu niên, khiến Myspace thất bại, Facebook ngay lập tức lợi dụng thời cơ đó để vươn lên.

“Tôi nghĩ đó là một bài học dành cho Uber”, Mark Rogowsky – một doanh nhân ở Silicon Valley thường xuyên theo dõi cuộc cạnh tranh giữa Lyft và Uber nói: “Ngày nay, Uber đang đứng ở nấc mà Facebook từng đứng vài năm trước. Họ đang phát triển nhanh đến mức kì cục và tất cả chúng ta đều tự hỏi liệu đây có phải là lúc họ nhìn nhận được rằng họ cần phải thay đổi hay không? Và chúng ta chưa có câu trả lời”.

Minh Hương (theo NYT)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.