Uber có kế hoạch hợp tác với các hãng taxi địa phương tại châu Á |
Cuộc chiến giữa dịch vụ đặt xe qua điện thoại như Uber và các hãng taxi truyền thống diễn ra khắp nơi gây ra nhiều hệ lụy chưa được giải quyết thỏa đáng. Nhưng thời gian gần đây, Uber bắt đầu thực hiện chiến lược hợp tác với taxi truyền thống tại một số quốc gia, mở ra hy vọng hai bên có thể bắt tay cùng “chung sống hòa bình”.
Có cửa cho hợp tác?
Khoảng trung tuần tháng 12 trở lại đây, dư luận tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) xôn xao về khả năng dịch vụ đặt xe qua điện thoại Uber sẽ hợp tác với công ty taxi truyền thống, dẫn đến nhiều đồn đoán về mục đích cũng như hiệu quả của mối quan hệ này. Người đề xuất sáng kiến hợp tác là ông Kenneth She Chun-chi, Tổng giám đốc Uber chi nhánh Hong Kong.
Ý tưởng này được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo vệ người tiêu dùng Hong Kong có báo cáo kêu gọi chính quyền đặc khu nới lỏng hệ thống cấp phép 1.500 ô tô tư nhân hiện nay, cho phép các phương tiện tham gia dịch vụ gọi xe được di chuyển hợp pháp trên đường.
“Ngành taxi tại Hong Kong không có nền tảng công nghệ như chúng tôi để cung cấp những dịch vụ đặc thù. Nếu hợp tác cùng nhau, các công ty taxi truyền thống có thể sử dụng dịch vụ khách hàng dự phòng của Uber, thậm chí tận dụng hình ảnh tốt của Uber để lấy lại niềm tin nơi khách hàng trong bối cảnh các công ty này thường xuyên bị phàn nàn vì thái độ phục vụ thô lỗ, tăng giá, từ chối chở khách”, ông She nói.
Trong một phản ứng bất ngờ, Phó chủ tịch Hiệp Hội Phát triển ngành taxi Hong Kong Ng Kam-wah cũng thể hiện sẵn sàng hợp tác với công ty đặt xe Uber. “Chúng tôi cho rằng, Hong Kong có chỗ để xây dựng mối quan hệ hợp tác thương mại với Uber vì đây là mô hình đôi bên cùng có lợi”, ông Ng Kam-wah nói.
Bản thân Uber đang gặp nhiều rào cản về pháp lý và bị kiểm soát hoạt động tại Hong Kong. Tháng 5/2017, cảnh sát tại đây bắt giữ 21 tài xế Uber hoạt động bất hợp pháp. Trước đó, vào tháng 3/2017, tòa án địa phương cũng đã phạt 5 lái xe của Uber mỗi người 10.000 đô la Hong Kong với tội danh tương tự. Nếu hợp tác với các công ty taxi, hoạt động của họ tại Hong Kong sẽ được hợp thức hóa.
Mô hình đang lan rộng tại Châu Á
Thực tế mô hình hợp tác giữa Uber và taxi truyền thống không phải mới mà đã và đang xúc tiến tại Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia. Chẳng hạn tại Indonesia, từ năm 2016, nhà khai thác taxi lớn thứ 2 của nước này PT Express Transindo Utama Tbk bắt đầu hợp tác với Uber về lĩnh vực chia sẻ chuyến đi và tài chính.
Theo thỏa thuận, Uber sẽ được phép tiếp cận dàn xe taxi với hơn 11.000 chiếc và 17.000 tài xế của hãng rồi trả tiền hàng tháng. Hơn nữa, công ty ứng dụng Mỹ có thể đáp ứng các quy định của địa phương. Về phía Express, tài xế công ty có thể nhận các đơn đặt xe qua dịch vụ uberX, giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của họ, thông báo cho biết.
Trước Uber, công ty cung cấp ứng dụng đặt xe địa phương Go-Jek cũng hợp tác với nhà khai thác taxi lớn nhất của Indonesia PT Blue Bird Tbk về công nghệ, thanh toán và quảng cáo. Công ty Đông Nam Á Grab cũng hợp tác Tập đoàn Lippo về thanh toán qua điện thoại.
Trước khi hợp tác, các dịch vụ gọi xe tại Indonesia vấp phải nhiều trở ngại pháp lý như các yêu cầu phương tiện sử dụng để thực hiện dịch vụ phải vượt qua các bài thử nghiệm pháp lý, đảm bảo tài xế hợp tác phải có giấy phép hoạt động...
Tháng 8/2017, nhà khai thác taxi lớn nhất Singapore ComfortDelGro thông báo ý định đàm phán với Uber về khả năng hợp tác. Tháng 11 vừa rồi, Uber cũng tìm cơ hội để thực hiện các thỏa thuận với một số công ty taxi tại Đài Bắc.
Một nữ tài xế Uber người Philippines (ảnh minh họa) |
Nhiều câu hỏi quan trọng cần lời đáp
Một số chuyên gia cho rằng, mô hình hợp tác này nghe có vẻ hợp lý khi góp phần hạn chế tình trạng xe taxi trống không phải đi lòng vòng kiếm khách, làm giảm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường. Với Uber, mối quan hệ này sẽ giúp họ hợp thức hóa hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Tờ Bưu điện Hoa Nam cho rằng, để thực sự hóa giải mâu thuẫn giữa các công ty dịch vụ thứ 3 (Uber, Grab...) và taxi truyền thống, hai bên cần tính toán, nghiên cứu và làm sáng tỏ một số câu hỏi. Trước hết, phía truyền thống phải tự làm rõ: Tại sao khách hàng lại quay lưng với họ để chuyển sang Uber. Một khi hợp tác, Uber được quyền tiếp cận xe taxi, mở rộng hoạt động, liệu các hãng taxi truyền thống có cạnh tranh nổi? Một số vấn đề khác mà khách hàng quan tâm, đó là liệu người dùng có phải đối mặt với sự tăng giá không? Nếu tăng, khách hàng có chấp nhận?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận