Bất chấp việc bóng đá Việt Nam đang đi lên với những thành tích tốt ở khu vực lẫn châu lục, Giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) dường như vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà tài trợ.
Những mối lương duyên ngắn ngủi
Cuối tuần trước, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã công bố Tập đoàn LS (LS) tới từ Hàn Quốc sẽ là nhà tài trợ chính cho Giải vô địch quốc gia 2020 (V-League 2020). Như vậy, đây là năm thứ tư liên tiếp V-League phải đổi nhà tài trợ. Năm 2017, sau khi đáo hạn hợp đồng tài trợ 3 năm, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã rút lui, đẩy V-League vào thế khó bởi thời điểm đó, các đội tuyển Việt Nam có thành tích không tốt.
Nhờ sự nỗ lực của VPF, V-League 2018 nhận gói tài trợ từ Công ty sữa Nutifood (Nutifood) với nhãn hàng Nuti Cafe trong vòng 1 mùa giải. Tiếp đó, Công ty hàng tiêu dùng Masan (Masan) tài trợ V-League 2019 với nhãn hàng Wake Up 247. Đáng chú ý, trong biên bản ghi nhớ, Nutifood cam kết tài trợ V-League 3 năm còn Masan ký hợp đồng 5 năm nhưng cả hai đều chỉ thực hiện 1 năm trước khi dừng lại. Báo Giao thông đã liên hệ với hai đơn vị này để tìm câu trả lời nhưng không nhận được hồi âm.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, tuy ký hợp đồng dài hạn nhưng cả hai bản hợp đồng trên đều kèm điều khoản đàm phán lại sau mỗi năm. Do không tìm được tiếng nói chung nên VPF và đối tác đi đến thống nhất thanh lý sớm. Nhưng sâu xa hơn, có thể thấy giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam chưa có sức hút đủ mạnh với các doanh nghiệp, buộc họ phải gắn bó lâu dài. Điều này dẫn tới việc V-League liên tục phải đổi nhà tài trợ chính, nói nôm na là “đi ăn đong từng mùa”.
Ở bản hợp đồng VPF mới ký kết với LS, giao kèo cũng chỉ kéo dài 1 năm. Tức là kết thúc mùa giải 2020, nhiều khả năng VPF lại tiếp tục tìm kiếm đối tác mới. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF cho biết, việc các đối tác dừng tài trợ không phải do họ không muốn làm tiếp mà do những yêu cầu họ đưa ra chưa phù hợp. “V-League là giải vô địch quốc gia nên phải có những giá trị riêng, không thể giá nào cũng chấp nhận hợp tác”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bình luận viên Vũ Quang Huy, V-League thực sự đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ. “Nhìn vào những diễn biến vài năm qua, hẳn ai cũng nhìn ra điều này. Công bằng mà nói, V-League chưa đáp ứng đầy đủ yếu tố chuyên nghiệp nên doanh nghiệp càng nâng lên đặt xuống khi quyết định gắn thương hiệu với giải”, bình luận viên Vũ Quang Huy nói.
Vì sao V-League đứng ngoài guồng quay?
Thực tế, hai năm qua, thương hiệu bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ thành công của các đội tuyển. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vì vậy cũng dễ dàng tìm kiếm những khoản tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2019, doanh thu của VFF đạt tới gần 240 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2018. Trong khi đó, doanh thu của VPF chỉ tăng 9,87%. Tuy tính chất việc tài trợ cho đội tuyển quốc gia và tài trợ cho các giải bóng đá chuyên nghiệp khác nhau, nhưng nhìn vào sự chênh lệch trên, rõ ràng V-League dường như đang đứng ngoài guồng quay của bóng đá Việt Nam.
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, điều này không quá khó hiểu bởi nhắc tới thành công của bóng đá Việt Nam, thành công của đội tuyển đã là yếu tố bao trùm, dù giải vô địch quốc gia là nền tảng cho các đội tuyển. “Không thể phủ nhận nhiều năm trở lại đây, V-League “thay da đổi thịt” nhiều, giới thiệu được nhiều cầu thủ xuất sắc nhưng về cơ bản giải đấu này chưa thực sự hấp dẫn cả về mặt chuyên môn lẫn hình ảnh”, ông Huy nói.
“Ở khía cạnh chuyên môn, không nhiều trận đấu tại V-League đáng xem. Các đội đã hết mục tiêu, thi đấu cực kỳ hời hợt, dẫn tới sự tẻ nhạt. Đó là chưa kể tới việc VFF, VPF không giải quyết được dứt điểm câu chuyện một ông chủ liên quan tới nhiều đội bóng nên một số trận đấu luôn bị đặt dấu hỏi. Ở khía cạnh hình ảnh, giải còn nhiều những tình huống chơi xấu, trọng tài xử lý thiếu chính xác, CĐV gây náo loạn, đốt pháo sáng. Rồi cả việc các sân bóng không được đầu tư, dẫn tới xuống cấp cũng ảnh hưởng tới bộ mặt giải đấu”, ông Huy phân tích.
HLV Triệu Quang Hà thì nhận định, V-League kém sức hút là do có nhiều hình ảnh phản cảm liên quan tới trọng tài, pháo sáng, bạo lực. Ngoài ra, lượng khán giả đến sân ở hầu hết các trận đấu còn rất hạn chế nên nhà tài trợ cảm thấy hiệu quả về mặt quảng bá hình ảnh thấp. “Doanh nghiệp họ không đi làm từ thiện, họ làm gì cũng tính toán tới lợi ích. Họ cảm thấy không có lợi thì họ sẽ dừng hợp tác”, ông Hà nói thêm.
Bình luận viên Quang Huy cho rằng, để thu hút thêm tài trợ, không có cách nào khác V-League phải tự đổi mới, phải thực sự hấp dẫn và đẹp trong mắt người hâm mộ. Dẫu vậy, không thể một sớm một chiều mà thay đổi được. “Các CLB phải đá vì khán giả, phải chơi cống hiến và chuyên nghiệp thì giải đấu mới cải thiện được sức hút từ các mạnh thường quân. Bằng không, V-League sẽ khó bật lên”, ông Huy nói.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tú cũng kêu gọi các CLB cùng chung tay xây dựng V-League phát triển: “VPF đã và đang nỗ lực làm tốt nhất mọi thứ trong khả năng của mình nhưng chúng tôi không thể làm thay việc của tất cả CLB. Mỗi đội bóng cần có ý thức vì cái chung. Khi giải hấp dẫn, có nhiều tài trợ thì bản thân CLB cũng hưởng lợi”.
Về phần mình, HLV Triệu Quang Hà nêu quan điểm: “Để V-League thực sự hấp dẫn thì VFF, VPF cần tạo ra cơ chế công bằng, không để tồn tại những lấn cấn, nghi ngờ về kết quả các trận đấu. Nếu đảm bảo được sự công bằng, tôi tin sẽ có nhiều đội bóng tham vọng vô địch, khi đó chất lượng chuyên môn sẽ tăng, khán giả đến sân đông hơn và nhà tài trợ cũng sẽ tự tìm tới”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận