Chiều 3/6, đoàn công tác của Cục đường sắt Việt Nam đã làm việc với Ban ATGT tỉnh Đồng Nai bàn phương án xử lý lấn chiếm hành lang đường sắt.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Cục đường sắt Việt Nam với Ban ATGT tỉnh Đồng Nai.
Tràn lan vi phạm
Ông Nguyễn Đình Đảng – PGĐ Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho biết, dọc tuyến đường sắt qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) tình trạng xây dựng công trình trình trái phép trong hành lang đường sắt, tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để.
Một số vị trí người dân còn xây dựng nhà ở, làm nơi buôn bán, vật liệu xây dựng gây mất ATGT. Nổi cộm nhất qua địa bàn 2 xã Xuân Thọ, Suối Cao. Hầu hết các vụ vi phạm hành lang đường sắt chưa được giải quyết dứt điểm, tổng cộng 25 vụ.
Cụ thể, dọc tuyến Km1687+150 - 1688+000, Km1688+300 – 1688+600, Km1691+100 – 1693+325 qua TP Biên Hòa, các hộ dân lấn chiếm, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đã lâu chưa được giải tỏa. Tình trạng các hộ dân buôn bán đậu xe trong phạm vi đường ngang nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Một công trình nhà ở xây dựng lấn chiếm ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc bị đình chỉ thi công.
Ngoài ra một số đoạn hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ song hành đã xuống cấp, nghiêng đổ chưa được sửa chữa nâng cấp kịp thời. Đề nghị nâng cấp hình thức phòng vệ tại đường ngang Km1684+780 thành đường ngang có gác theo đề nghị của UBND tỉnh.
“UBND cấp huyện, xã sớm có kế hoạch triển khai xây dựng các đường ngang, hầm chui, cầu vượt và đường gom. Sớm giải quyết công tác giải tỏa hành lan, cắm mốc ranh giới đất cho cho đường sắt và có lộ trình xóa lối đi tự mở”, ông Đảng nói.
Sớm cắm mốc ranh giới phạm vi đất đường sắt
Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã giải tỏa 85 trường hợp buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn. Mới đây, huyện Xuân Lộc đã lập biên bản xử phạt hành chính và đình chỉ thi công 7 trường hợp xây dựng vi phạm hành lang ATGT đường sắt đoạn qua xã Suối Cao, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh tồn tại 10 lối đi dân sinh có bố trí người cảnh giới gồm TP Biên Hòa 7 điểm, huyện Trảng Bom, 1 điểm ở Xuân Lộc. Chi phí trợ cấp hàng tháng cho người cảnh giới từ 3 – 4 triệu đồng/tháng từ nguồn ngân sách địa phương.
Ông Bùi Văn Tuấn - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, để hạn chế và xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang, ngành đường sắt cần sớm cắm lại mốc ranh giới đất phạm vi đường sắt.
Đồng thời phối hợp với địa phương khảo sát thực tế, xác định hành lang bảo vệ và ATGT đường sắt và phạm vi bảo vệ cột thông tin tín hiệu đường sắt.
"Sau khi hoàn thành bàn giao cọc mốc ranh đất các huyện, thành phố địa phương có tuyến đường sắt đi qua chịu trách nhiệm quản lý, không để xảy ra hành vi lấn chiếm làm ảnh hưởng đến ATGT đường sắt", ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Bôn - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đề nghị nâng cấp thêm nhiều vị trí đường ngang.
Ông Nguyễn Bôn – PGĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng bên cạnh các trường hợp vi phạm nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm nay phát sinh nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đường sắt.
Trong đó tuyến đường sắt qua TP Biên Hòa, huyện Xuân Lộc là 2 "điểm nóng", nhiều điểm buôn bán lấn chiếm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Để giải quyết dứt điểm chính quyền địa phương cần có giải pháp mạnh, kiển quyết tháo dỡ công trình lấn chiếm để răn đe, ngăn ngừa tái diễn. Một số đường ngang có gắn gác chắn tự động, camera giám sát cần chia sẻ dữ liệu để địa phương giám sát, tuyên truyền nhắc nhở các hộ buôn bán lấn chiếm trong phạm vi hành lang.
Ông Bôn cũng đề nghị Cục đường sắt xin chủ trương Bộ GTVT bố trí kinh phí bảo trì, nâng cấp một số tuyến đường ngang qua TP Biên Hòa, cải tạo đường gom đoạn qua xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).
Ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục đường sắt đề xuất nhiều phương án đảm bảo an toàn tàu chạy qua các đường ngang qua khu đô thị.
Kết luận tại buổi làm việc ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho rằng qua kiểm tra tại các đia phương tình trạng xâm lấn đất đường sắt vẫn diễn ra phổ biến. Điều này cho thấy còn lỗ hỏng trong việc quản lý, địa phương chưa kiên quyết xử lý dẫn đến xâm lấn tràn lan..
Qua kiểm tra các đường ngang tình trạng bán hàng rong trong phạm vi các đường ngang đoạn qua TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom vẫn diễn ra phổ biến nguy hiểm an toàn tàu chạy.
Ông Khôi đề nghị địa phương khẩn trương phối hợp với ngành đường sắt sớm xóa bỏ các lối đi tự phát, quyết liệt xử lý các trường hợp xâm phạm, xây dựng công trình trong hành lang đường sắt.
"Trong tháng 6, các đơn vị ngành đường sắt phải rà soát toàn bộ hồ sơ để sớm thống nhất với địa phương cắm mốc ranh giới đất để bảo vệ hành lang an toàn. Các kiến nghị của địa phương thuộc thẩm quyền Cục sẽ xem xét kiến nghị Bộ có chủ trương nâng cấp, cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu", ông Khôi nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận