Những chiếc xe buýt to đi trong 3m đường nhỏ hẹp là nguyên nhân chính gây mất ATGT trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: Ngô Vinh |
Đường Cầu Giấy (Hà Nội) đang bị rào chắn đến 2/3 mặt đường để thi công đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội nên các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Đây có phải là nguyên nhân chính khiến chỉ trong vài ngày liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn chết người do xe buýt va chạm với xe máy?
Đường bé, xe buýt lại quá to
Ghi nhận của PV, hiện nhà thầu thi công đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội chỉ để lại 3m đường mỗi bên phục vụ giao thông, gần như chỉ vừa đủ cho một xe buýt lớn. Theo đại diện Công an quận Cầu Giấy, chỉ trong một tuần từ ngày 23 - 29/2 đã xảy ra hai vụ TNGT chết người liên quan đến xe buýt trên đường Cầu Giấy. Vụ tai nạn xảy ra ngày 23/2 khiến một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thảo (SN 1987, ở Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) tử vong tại chỗ. Ngày 29/2, nam thanh niên Nguyễn Văn Hoàn (25 tuổi) đi xe máy BKS 29X3 - 062.71 cũng bị xe buýt chèn qua người tử vong.
"Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội theo kế hoạch sẽ thi công kéo dài tới năm 2018. Do đó, những đoạn nào thi công xong hoặc chưa thi công đều đã được tháo rào chắn để các phương tiện di chuyển thuận lợi. Đây đều là rào chắn cố định, đảm bảo máy móc hoạt động khi công trình kéo dài nên không thể linh hoạt trong việc đóng mở như những công trình ngắn hạn”. Ông Nguyễn Quang Mạnh |
Chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở sát hiện trường xảy ra vụ tai nạn ngày 23/2 cho biết: “Hôm đó, tôi đang chuẩn bị đi đón con thì thấy một phụ nữ điều khiển xe máy đang lưu thông loạng choạng tay lái rồi bất ngờ ngã xuống đường. Đúng lúc đó, xe buýt đi tới và cán qua khiến người này tử vong tại chỗ”.
Còn anh Hồ Văn Tùng hành nghề xe ôm ngay sát khu vực nam thanh niên tử nạn kể: “Khoảng hơn 11h trưa 29/2, tôi thấy nam thanh niên đang điều khiển xe máy lưu thông cùng chiều va chạm với xe buýt rồi ngã ra đường. Xe buýt đang đà lao về phía trước không kịp phanh đã chèn qua người khiến nạn nhân tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu”.
Trao đổi với Báo Giao thông, Trung úy Nguyễn Văn Kiên, Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) là người trực chốt tại thời điểm xảy ra tai nạn cho biết, cả hai trường hợp gặp nạn trên đường Cầu Giấy đều lưu thông vào khung giờ không phải cao điểm. Tuy nhiên, do lòng đường nhỏ hẹp, phương tiện quá đông, người tham gia giao thông rất khó khăn. “Mặt đường hẹp, khi người bị nạn ngã xuống đường, xe buýt khó phanh kịp và không còn diện tích để tránh”, Trung úy Kiên nói.
Nghiên cứu thay xe buýt lớn
Trung úy Đặng Việt Cường, Đội CSGT số 6 trực chốt ở Cầu Giấy cho biết, sau khi xảy ra hai vụ TNGT liên tiếp, chúng tôi khuyến cáo người tham gia giao thông nên chọn lưu thông trên các cung đường khác để giảm tải. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu giảm tần suất xe buýt, hoặc bố trí xe buýt nhỏ để phù hợp hơn với lòng đường nhỏ hẹp của đường Cầu Giấy”, Trung úy Cường khuyến nghị.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, thời gian qua đơn vị đã giảm đáng kể 1/3 tần suất xe buýt đi trong giờ cao điểm tại tuyến đường này. Hai trường hợp bị xe buýt cán người gây tử vong vừa xảy ra là do người đi đường bị ngã, diện tích mặt đường quá nhỏ nên xe buýt không phanh kịp và không còn diện tích để tránh.
“Chúng tôi đang tính toán xây dựng kế hoạch cho xe buýt nhỏ lưu thông tại những điểm có công trình rào chắn. Tuy nhiên, xe buýt nhỏ lại phải tăng tần suất vì sức chứa hai xe buýt nhỏ mới bằng một xe buýt lớn để đảm bảo nhu cầu vận chuyển của người dân. Điều này cũng rất bất cập”, ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận