Nhầm lẫn xe gắn máy và xe môtô
Điểm đáng chú ý của Thông tư 31 có hiệu lực từ ngày 15/10, đó là quy định xe gắn máy khi tham gia giao thông với tốc độ tối đa không quá 40km/h. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn vì sao xe máy lại được chạy với tốc độ thấp như vậy?
Liên quan vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, thực tế, nhiều người đang nhầm lẫn giữa xe gắn máy và mô tô nên có thắc mắc. Cụ thể, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016 tại mục 3.39 và 3.40, nêu rõ: Xe môtô là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350kg - 500 kg đối với xe máy 3 bánh. Khái niệm này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 3.40 quy định tại điều này.
Tại khoản 3.40, xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt, dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3. Như vậy, theo định nghĩa trên, xe gắn máy là những xe có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối. Vì vậy, xe gắn máy không thể quy định tốc độ cao. Xe gắn máy hiện nay bao gồm cả các loại xe máy điện.
Cũng theo ông Điệp, việc quy định xe gắn máy chạy không quá 40km/h không phải mới. Quy định này đã có trong Thông tư số 91/2015 hiện đã thay thế bằng Thông tư 31 nêu trên. Cụ thể, Thông tư số 91 có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 quy định: Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) khi tham gia giao thông thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40km/h.
Đơn giản hóa thủ tục
Thông tư 31/2019 quy định, trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), đối với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên, các phương tiện được chạy với tốc độ tối đa 60km/h. Với đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới, các phương tiện được chạy tối đa 50km/h. Ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), đối với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên, xe ôtô con, xe chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ôtô tải có tải trọng nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn được chạy với tốc độ tối đa 90km/h; nếu là đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới được chạy tối đa 80km/h.
Xe ôtô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt), ôtô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ xe xitéc) tối đa lần lượt là 80km/h và 70km/h; xe buýt, ôtô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, xe môtô, ôtô chuyên dùng (trừ ôtô trộn vữa, trộn bêtông) tối đa lần lượt là 70km/h và 60km/h. Ôtô kéo rơ-moóc, ôtô kéo xe khác, ôtô trộn vữa, trộn bêtông, ôtô xitéc tối đa lần lượt là 60km/h và 50km/h. Tốc độ tối đa cho phép của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120km/h.
Liên quan đến các vấn đề khác của Thông tư 31/2019, ông Bùi Khắc Điệp cho rằng, về cơ bản nội dung không có nhiều thay đổi so với Thông tư 91/2015. Thông tư 31 bổ sung thêm điều 10 về thẩm quyền đặt biển báo tốc độ. Theo đó, sẽ giao cho cơ quan quản lý có thẩm quyền được chủ động cắm biển dựa vào thực trạng giao thông thực tế của tuyến đường thay vì trước đây phải xin phép khi muốn thay đổi.
Thông tư cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng cho từng chiều đường đối với đường đôi (đường có chiều đi và về riêng biệt được phân cách bằng dải phân cách giữa). Có nghĩa là trên một đoạn đường có thể đặt biển quy định tốc độ khác nhau trên mỗi chiều thay cho một tốc độ đồng nhất như hiện nay.
“Một điểm mới nữa là thông tư cho phép cơ quan có thẩm quyền đặt biển báo tốc độ tối đa lớn hơn 60km/h đối với đoạn đường trong khu vực đông dân cư, lớn hơn 90km/h đối với đoạn đường ngoài khu vực đông dân cư. Tức là cho phép xe chạy với tốc độ tối đa cao hơn tốc độ 60km/h trên đường qua khu vực đông dân cư và cao hơn 90km/h trên đường ngoài khu vực đông dân cư như hiện nay”, ông Điệp nói.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời gian qua, cả nước có rất nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, xây mới đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, đi lại của người dân. Những tuyến đường có điều kiện tốt, kiểm soát giao cắt xung đột tốt, qua tính toán cho thấy có thể được khai thác vận hành ở tốc độ cao hơn, việc nâng tốc độ giới hạn là phù hợp, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường, vẫn bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, thực trạng GTVT Việt Nam rất đa dạng, ngay cùng một loại đường nhưng mức độ an toàn có thể rất khác nhau, bởi vậy nếu áp dụng nguyên tắc tốc độ giới hạn một cách đồng nhất, có thể tạo ra những vấn đề về tai nạn giao thông.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, sau hơn ba năm thực hiện Thông tư 91, TNGT đã giảm cả ba tiêu chí, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện. Các quy định trong Thông tư 31 phù hợp thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận