Toàn bộ vỉa hè đường bờ sông Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh, người đi bộ phải đi xuống lòng đường - Ảnh: K.Linh |
Căng dây là có tiền
Tại các đô thị lớn, không ít nơi, những mét vuông vỉa hè ít ỏi dành cho người đi bộ đang được trưng dụng để trông giữ xe thu tiền - một công việc được cho là nhàn nhã mà “hốt bạc”.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, nhiều diện tích vỉa hè của các tuyến: Đinh Lễ, Nguyễn Xí (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được trưng dụng làm nơi trông giữ phương tiện. Có mặt tại đây, PV chứng kiến vỉa hè bị các điểm trông giữ xe chiếm trọn. Thực tế đây đều là những điểm đỗ xe được cấp phép và cùng có điểm chung là “tự ý kẻ vạch vôi trắng dưới lề đường”. Tại đây có điểm giao dịch của Bưu điện Hà Nội, các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnamobile,… vì thế khách đến giao dịch rất đông.
Nhân viên của phường không thu phí sử dụng vỉa hè Để xác minh thông tin, PV Báo Giao thông liên hệ với ông Phạm Đình Tuyên, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Ông Tuyên khẳng định không có chuyện nhân viên của phường đi thu phí sử dụng vỉa hè hàng tháng. Phường không bao giờ chỉ đạo làm việc này. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Ông Phạm Nhất Trí, Phó đội trưởng Đội Trật tự Đô thị (quận 1) khẳng định: “chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về những tiêu cực của cấp dưới”. Vẫn biết chẳng ai nhận lỗi khi “chưa bắt tận tay” nhưng nếu như vỉa hè vẫn được vô tư chiếm dụng bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng, không ai có thể cấm dư luận nghi ngờ, đặt câu hỏi. |
Sau khi gửi xe, nhân viên ghi vé trên phố Đinh Lễ nhắc nộp 10 nghìn đồng, chúng tôi thắc mắc vỉa hè có phải mất phí không mà thu đắt thế. “Vỉa hè đương nhiên là phải mất phí, mỗi tháng phải nộp cả chục triệu, không thu cao, làm sao có lời”, anh nhân viên quắc mắt.
Chỉ cần một phép tính đơn giản, có thể thấy một điểm trông giữ xe “nho nhỏ” trên vỉa hè phố Nguyễn Xí, mỗi ngày trông giữ khoảng 300 lượt xe, mỗi xe 5.000 đồng thì một tháng, điểm trông xe này cũng có thể thu về 45 triệu đồng. Thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều, bởi 300 lượt xe chỉ là một ví dụ chưa đầy đủ.
Một trường hợp khác là điểm trông giữ phương tiện trước cổng viện bỏng Quốc gia và viện 103 đi qua địa phận phường Phúc La thuộc quận Hà Đông. Có mặt tại đây, PV ghi nhận cả đoạn vỉa hè dài khoảng 30m đã bị chăng dây làm bãi trông giữ xe máy. Chưa biết bãi đỗ xe này có được cấp phép hay không nhưng theo quan sát, quy định “dành tối thiểu 1,5m vỉa hè cho người đi bộ” không được chấp hành. Người đi bộ qua đây không cách nào khác là “dạt” xuống lòng đường. Đáng nói hơn, một tấm biển lớn được dựng tại bãi giữ xe lúc nào cũng đông nghẹt có doanh thu theo một người dân ở đây là lên tới cả trăm triệu mỗi tháng này ghi rõ rành dòng chữ: UBND phường Phúc La.
Không quá xô bồ như Hà Nội, các bãi giữ xe ở TP.HCM khá tuân thủ quy định “chỉ được phép sử dụng 1,5m, tương đương 1 hàng xe” để trông giữ xe máy. Mặc dù vậy, các điểm trông giữ xe này cũng đều dễ dàng thu tiền triệu mỗi ngày. Tại bãi giữ xe trước cổng trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (đường Huỳnh Thúc Kháng), qua tìm hiểu, PV được biết, với diện tích khoảng 150m2, mỗi ngày, chủ bãi dễ dàng thu về vài ba triệu tiền trông xe, lớn hơn khoản tiền thuê vỉa hè cả tháng (khoảng 1,8 triệu đồng).
Thêm chuyện “chung chi” hàng tháng
Theo tìm hiểu của PV, chuyện chung chi hàng tháng để được “sở hữu” tạm vỉa hè không phải không có. Chị N.T.U, một người bán hàng nước trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP HCM) cho hay, lâu lâu, chị và những người buôn bán nhỏ trên tuyến đường này lại phải “bồi dưỡng” cho mấy anh làm trật tự đô thị. Ít thì chai nước, gói thuốc, tô bún bò, nhiều hơn chút thì vài ba trăm nghìn. Giữ xe thì phải chung chi nhiều hơn.
Anh N.C.S, chủ một ki-ốt ở đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) chia sẻ, tiệm của anh từng có những lần bị nhân viên thu phí giữ xe ôtô của Đội TTĐT “điều” phương tiện bịt kín lối ra vào vì chủ “không biết điều”. Anh này phải đến đội xin cầu cứu, sau đó mới được giải quyết…
Tại phố Trần Bình (Hà Nội), cô Hoàng Thị B. cũng tiết lộ, chồng cô chạy thận nên cả gia đình cũng dồn hết sức “bán mặt” ở vỉa hè kiếm tiền. “Mỗi tháng tôi bán bún đậu ở đây phải nộp 2,5 triệu đồng. Cứ nói là vỉa hè nhưng tiền thuê còn đắt hơn cả một cái nhà to ở quê”, cô B. than.
Một chủ quán cà phê trên đường Ngô Thì Nhậm, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông tiết lộ, tháng nào cũng phải đóng phí hè phố cho phường khoảng từ 700 nghìn - 1 triệu đồng mới được phép để xe trên vỉa hè. Tất cả các quán ở đây đều thế. Nhưng cũng chỉ được để xe của khách trong khung giờ nhất định, còn đâu phải trả lại vỉa hè. Theo ước tính đoạn phố này có khoảng hơn 20 cửa hàng. Nếu theo đúng tiết lộ của chủ quán, riêng đoạn phố này mỗi tháng cũng đã thu nộp cho phường cả chục triệu đồng. Đấy là chưa kể các hàng khác sử dụng vỉa hè tràn lan trên các con phố khác của phường Nguyễn Trãi như Lê Lợi, Bà Triệu, Trưng Nhị, Hoàng Hoa Thám...
“Cứ đến ngày, đến tháng là có một nhân viên tới thu tiền nhưng không đưa hóa đơn hay bất cứ biên lai thu phí nào”, chủ quán cà phê trên đường Ngô Thì Nhậm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận