Ảnh minh họa |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trong lễ công bố báo cáo doanh nghiệp thường niên 2014 sáng nay (15/4) cho biết, trước đây, tăng trưởng doanh nghiệp trung bình khoảng 20%/năm, nhưng nay chỉ đạt khoảng 7-8%/năm.
Không những thế, quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hụt các doanh nghiệp quy mô trung bình và quy mô lớn ở Việt Nam. “Qua mấy chục năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp cỡ vừa. Đây là vấn đề lớn cho nền kinh tế”, ông Lộc nói.
Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014, năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm 2013.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp năm 2014 đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2014 là 1,091 triệu lao động, tăng 2,8% so với năm 2013.
Năm 2014 cũng chứng kiến số lượng doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể khá lớn, tăng tới 11,7% so với năm 2013, tương ứng 67.823 doanh nghiệp.
Theo khảo sát của VCCI, thời gian ngừng hoạt động trung bình của doanh nghiệp là 2 tháng (ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 7 tháng). Các doanh nghiệp cho biết, họ phải ngừng hoạt động là do không tìm được đầu ra cho sản phẩm và không tìm được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Các doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014. VCCI khuyến nghị việc hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích các các mối liên kết thực thụ giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp lớn và cá doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh khuyến nghị cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, VCCI cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động và quy mô doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận