Chuyện dọc đường

Việt Nam sẽ đóng cửa vì dịch Covid-19 đến bao giờ?

23/06/2021, 11:00

Trong tương lai, Covid-19 sẽ trở thành một căn bệnh của cuộc sống hàng ngày, nó trở nên bình thường trong bệnh viện giống như các chủng cúm mùa.

img

Bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Saint Paul Hà Nội

Euro và sự trở lại của châu Âu

Virus Sars-CoV-2 vẫn tồn tại, ngay cả khi phần lớn dân số thế giới được tiêm chủng. Trong tương lai, Covid-19 sẽ trở thành một căn bệnh của cuộc sống hàng ngày, nó trở nên bình thường trong bệnh viện giống như các chủng cúm mùa khác, mỗi đợt dịch bùng phát không còn là nỗi kinh hoàng.

Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, EURO 2020, đang diễn ra để chứng tỏ “Châu Âu tràn đầy sức sống & Châu Âu đang trở lại” đúng như Chủ tịch UEFA Aleksander Čeferin đã lạc quan.

Tổng cộng 11 quốc gia đăng cai tổ chức giải đấu tại các thành phố lớn. Có 10 sân vận động cho phép 22 - 50% khán giả, riêng sân vận động Budapest Arena ở Hungary đồng ý lấp đầy 100% chỗ ngồi, khoảng 68 ngàn cổ động viên.

Số vé bán hết sạch chỉ sau khi phát hành vài phút!

Trong bối cảnh cùng tổ chức trận đấu, tất cả các đội, bao gồm cả người hâm mộ và nhân viên truyền thông, sẽ trải qua cuộc di cư quy mô lớn chưa từng thấy kể từ khi đại dịch xảy ra. Việc di chuyển xuyên lục địa thường xuyên và dày đặc như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đây chắc chắn là một thử nghiệm lớn đối với châu Âu.

Thực tế, Covid-19 vẫn đang là vấn đề nan giải nhất ở cúp châu Âu hiện tại. ĐTQG Tây Ban Nha đã có những trường hợp nhiễm bệnh mới, thủ môn chủ lực của Hà Lan vắng mặt vì dương tính với Covid-19, còn ngôi sao người Đức mới bình phục chưa đủ sức đá chính.

Trong đại dịch Covid-19, dịch tễ học hiện đại có rất nhiều thay đổi dựa trên những hiểu biết về virus SARS-CoV-2. Thế giới phương Tây chống dịch theo khoa học thay vì bám víu lấy chủ nghĩa kinh nghiệm.

Không chỉ bóng đá, mà ngay trong cuộc sống cũng vậy, quyết định đóng cửa toàn bộ, đóng cửa từng phần, hay mở cửa hoàn toàn được thế giới phương Tây căn cứ vào “mức độ rủi ro - risk levels” cùng với các chỉ số bổ sung khác.

Trong đó, mức độ rủi ro tổng thể được xác định bởi 3 chỉ số, gồm: Số ca nhiễm mới mỗi ngày trong 100 ngàn dân; Hệ số lây nhiễm; Tỉ lệ xét nghiệm dương tính (positive test rate).

Các chỉ số này có màu sắc biểu thị cấp độ tăng dần từ xanh lá cây, đến vàng, cam, đỏ, đỏ sẫm.

6 tuần tới số ca nhiễm của Sài Gòn sẽ vượt qua Bắc Giang?

Sài Gòn trước thời điểm giãn cách toàn thành phố, trong 7 ngày có tổng số 150 ca lây nhiễm, như vậy trung bình mỗi ngày 21,4 ca. Tạm coi dân số cả thành thị và nông thôn Sài Gòn là 8.993.033 người, vậy số ca nhiễm mỗi ngày trên 100.000 dân sẽ là 0,2 người.

Sau ba tuần giãn cách xã hội, từ 0,2 lên 1,2 người nhiễm trên 100 ngàn dân.

Nếu theo Mỹ và Đức, hay các quốc gia phương Tây khác, thậm chí ngay Malaysia cũng vừa quyết định chống dịch theo phương pháp này, lấy số ca nhiễm mới trong ngày làm tiêu chuẩn; thì rõ ràng con số 0,2 màu xanh theo chuẩn Mỹ và 1,2 màu vàng, thì việc áp các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt rất cần phải tính toán, để tránh thiệt hại về kinh tế.

Sài Gòn còn giãn cách ít nhất một tuần nữa, nhưng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm vượt trội, tôi dự đoán trong 6 tuần tới số ca nhiễm của Sài Gòn sẽ vượt qua Bắc Giang; cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài, liệu Sài Gòn sẽ giãn cách xã hội bao lâu và bao nhiêu lần nữa?

Nghệ An cũng vậy!

Trong 7 ngày có 20 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày khoảng 3 ca. Dân số thành phố Vinh là 545.180 nên số ca nhiễm mỗi ngày trên 100 ngàn dân sẽ là 0,6 người.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày 0,6 người trên 100 ngàn dân, có nên giãn cách xã hội cả thành phố Vinh, đặc biệt là giãn cách mà thực chất là cách ly xã hội theo Chỉ thị 16?

Trong lúc cả châu Âu nô nức đi xem bóng đá, với câu thần chú "Việt Nam chống dịch tốt nhất thế giới", một câu hỏi đặt ra là: "Việt Nam sẽ đóng cửa đến bao giờ?".

Bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Saint Paul Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.