Gần 3,8 tỷ USD mua 50 tàu bay
Sở KH&ĐT Hà Nội vừa gửi công văn tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và các Bộ GTVT, KH&ĐT, TN&MT, Tài chính… lấy ý kiến thẩm định hồ sơ chủ trương dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 - 2025 của Vietnam Airlines (VNA). Nếu được thông qua chủ trương, dự kiến trong năm 2021, VNA sẽ đặt hàng 8 tàu bay. Số tàu bay đặt mua trong các năm từ 2022 - 2025 sẽ lần lượt là 4, 10, 18 và 10 tàu bay.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019, HĐQT Vietnam Airlines đã thông qua kế hoạch bổ sung 50 tàu bay này và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư gần 3,8 tỷ USD. Dự kiến, số tiền trên lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm gần 2 tỷ USD. Gần 1,4 tỷ USD sẽ do Vietnam Airlines huy động.
Chủ tịch Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh khẳng định, trong kế hoạch mua mới 50 máy bay thân hẹp, hãng vẫn đưa dòng 737 Max vào quá trình cân nhắc bên cạnh dòng Airbus A320, bởi đây vẫn là dòng máy bay có tính trạnh canh trong phân khúc phản lực thân hẹp.
Cũng theo ông Minh, định hướng của VNA là đổi mới đội tàu bay trên cơ sở thay thế dần các tàu bay trên 12 năm tuổi bằng các tàu bay công nghệ mới.
Đến 2020, đội bay có thể lên tới hơn 220 chiếc
Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp chỉ là một phần trong kế hoạch đầu tư đội tàu bay của Vietnam Airlines đến 2025, định hướng đến 2030.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, dự kiến đến năm 2025, Vietnam Airlines sẽ cần tới 34 - 37 tàu bay thân rộng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hãng này sẽ phải bổ sung từ 1 - 4 tàu bay so với các tàu bay thân rộng đã thuê mua. Số tàu thân hẹp mà hãng này cần lên tới 95 - 120 tàu bay. Đó là chưa kể đến khoảng 6 - 20 tàu bay phản lực khu vực.
Định hướng đến năm 2030, nhu cầu đội tàu bay của Vietnam Airlines có thể lên tới 156 - 223 tàu, trong đó, đội tàu bay thân rộng là 40 - 46 tàu, đội tàu thân hẹp là 110 - 157 tàu và đội tàu bay phản lực khu vực là 6 - 20 tàu.
“Số lượng tàu bay cần thiết sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình phát triển thực tế cơ sở hạ tầng sân bay và của các nhóm đường bay liên quan”, ông Minh khẳng định.
Liên quan đến việc đầu tư tàu bay của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia đang e ngại về nguy cơ chậm tiến độ đầu tư tàu bay của hãng này mà trước mắt là dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp nói trên. Thực tế, từ cuối tháng 4/2019, Sở KH&ĐT Hà Nội đã phải gửi công văn tới Bộ GTVT và KH&ĐT đề nghị hướng dẫn trình tự, thủ tục; thẩm quyền và nội dung hồ sơ dự án này.
Cụ thể, lãnh đạo Sở này cho hay, từ trước đến nay, các DN mua sắm máy bay nhiều, tuy nhiên TP Hà Nội chưa từng thụ lý hồ sơ nào về dự án mua sắm máy bay nên không có cơ sở hướng dẫn Vietnam Airlines hoàn thiện hồ sơ dự án để trình phê duyệt dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng quy định của pháp luật.
Sở dĩ có chuyện “chưa từng có” nói trên là vì theo quy định của Luật Đầu tư, các DN sẽ trình dự án đầu tư cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư trên địa bàn đăng ký kinh doanh thẩm định và phê duyệt, thay vì các bộ quản lý chuyên ngành như trước đây.
Vướng mắc tại dự án đầu tư 50 tàu bay của Vietnam Airlines cũng tương tự như vướng mắc tại các dự án đầu tư, nâng cấp các sân bay hiện nay của TCT Cảng hàng không VN (ACV). Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết, nếu như trước đây, việc mở rộng, nâng cấp các dự án hạ tầng hàng không (như nhà ga hành khách) rất đơn giản, ACV chỉ cần báo cáo Bộ GTVT. Tuỳ theo phân cấp dự án, nếu dưới 5.000 tỷ đồng thì Bộ thông qua chủ trương, trên 5.000 tỷ đồng, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, theo Luật Đầu tư, ACV sẽ phải nộp đề xuất đầu tư cho Sở KH&ĐT thuộc UBND TP Hà Nội, nếu Sở này đồng thuận mới tiếp tục đưa lên Bộ KH&ĐT thẩm định. Thực tế, ACV hiện đang phải chờ cái “gật đầu” của Sở KH&ĐT TP HCM về dự án đầu tư nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận