Trả lời Báo Giao thông, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Luật Quảng cáo nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Liên quan đến quảng cáo "nổ" sứ vệ sinh của Viglacera tự diệt 89% vi khuẩn: Kết quả xét nghiệm vi sinh của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh từ những năm 2013 cấp cho mẫu Men KK2 và 2016 gạch kháng khuẩn. Cả 2 mẫu này được thử nghiệm với 3 chủng vi khuẩn phổ biến: Salmonella typhi (Thương hàn), Escherichia coli (trực khuẩn lị), Bacillus cereus, một loại vi khuẩn gây tiêu chảy. Phiếu kết quả cũng ghi rõ, kết quả chỉ có giá trị đối với mẫu gửi đến. Không sử dựng kết quả này vào mục đích quảng cáo. Thế nhưng đơn vị này đang làm ngược lại như vậy có thể thấy việc quảng cáo này gây cho người tiêu dùng nhầm lẫn về sản phẩm.
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích: Theo quy định tại Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì việc quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo hai trường hợp sau đây:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ;
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo;
Việc quảng cáo sai sự thật có tính chất gian dối ngoài việc bị xử lý hành chính thì chủ thể còn có thể bị xử lý hình sự nếu có tính chất nghiêm trọng.
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, sau khi Hà Nội xuất hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân số 17, tối 6/3), Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Viglacera) tung quảng cáo "nổ" bộ đôi sản phẩm sứ vệ sinh và gạch ốp lát Viglacera có khả năng tự diệt khuẩn.
Theo nội dung quảng cáo, bộ đôi sản phẩm sứ vệ sinh và gạch ốp lát Viglacera được ứng dụng công nghệ men Nano nung Nano TiO2.
Những dòng sản phẩm này có khả năng tự diệt khuẩn, thường được dùng trong các cơ sở y tế, bệnh viện tại nước ngoài, nơi mà có môi trường yêu cầu sự vô trùng cao và đã được sử dụng rộng rãi tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu", nội dung quảng cáo đăng tải.
Tuy nhiên, PGS, TS, Chuyên gia vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định, TiO2 (Titanium dioxide - Ô xít ti tan) là hợp chất, là một phân tử đã trung hoà nên TiO2 không chịu tác dụng với vật khác và không chịu tác dụng của vật khác lên nó. Như vậy có thể hiểu vi khuẩn, virus, bụi bẩn đậu, bám vào không sao cả. Nên nói TiO2 diệt khuẩn đã là sai, tự diệt khẩn thì càng không đúng. "Nó diệt được khuẩn thì diệt luôn cả người", ông Khải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận