Sách

Vĩnh biệt cựu lính xế Trường Sơn cùng ám ảnh trắng

26/05/2021, 06:46

Đại tá, nhà văn Phạm Hoa từ trần hồi 18h38 ngày 22/5/2021, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

img

Nhà văn Phạm Hoa

Ai đó từng nói rằng, nỗi đau mất người thân như bị một vết chém sắc lẹm. Mới thì đau ít thôi. Nhưng cùng với thời gian, nó âm ỉ dai dẳng như một di chứng khó lành…

Chuyện Phạm Hoa và Tào Mạt

Mãi đến những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi mới được gặp Phạm Hoa, trong một cuộc tụ họp. Tóc cắt bốc, bộ quân phục đã phai màu như tôn như tố thêm thứ nước da xam xám từng vướng những trận sốt rét rừng.

Và trong các cung bậc ồn ã vui vẻ bạn bè, hắn như nép vào một chỗ khuất, rất ít lời. Phạm Hoa đấy! Mà hình như Phạm Hoa bữa ấy trốn hay khất một buổi học. Người lính vận tải bộ đội Trường Sơn ấy ngồi cùng bàn của lớp học với những Hữu Thỉnh, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo… dự khóa đầu Trường Viết văn Nguyễn Du.

Năm xa ấy, Phạm Hoa rủ tôi đến thăm nhà viết kịch, Đại tá Tào Mạt đương vướng phải trọng bệnh điều trị ở 108. Căn bệnh ung thư quái ác không ghìm nghệ sĩ Tào Mạt vốn tăng động và năng động trong phòng bệnh.

Đại tá, nhà văn Phạm Hoa từ trần hồi 18h38 ngày 22/5/2021, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Lễ viếng bắt đầu từ 13h15 - 14h30 ngày 26/5/2021, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang lúc 14h30 cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội).


Ông thoải mái chuyện trò, hào phóng viết thư pháp tặng. Tôi thoáng thấy ông ghé tai Phạm Hoa bỏ nhỏ gì đó? Cả hai cười. Ít bữa sau, Phạm Hoa lại rủ tôi đi. Lại căn buồng bệnh Tào Mạt ở 108. Cuộc thăm chóng vánh. Đại tá Tào Mạt ngồi trên xe lăn được Phạm Hoa đẩy đi, tươi cười với cô y tá: Cho tớ tiễn mấy ông bạn này ra cửa nhá!

Cú tiễn ấy ra cửa bệnh viện thật. Nhưng Phạm Hoa bốc cả cái xe lăn lên cái ô tô con của một ông bạn hồi nãy chở chúng tôi. Giờ đi đâu anh? Nghe Phạm Hoa hỏi, Tào Mạt cười phớ lớ: Về, về nhà!

Nhà là nhà số 4 Lý Nam Đế nơi có cơ quan Phòng Văn nghệ Quân Đội cũng cùng số nhà với Tạp chí Văn nghệ Quân đội nổi tiếng. Phòng Văn nghệ là nơi người lính, nhà viết kịch Tào Mạt từng ngồi ở đó nhiều năm.

Ông gọi cái nơi mà Phạm Hoa đương ngồi khi ấy là nhà, nhà của chúng mình! Cuộc thăm nhà đột xuất lần ấy với nhiều cung bậc gặp gỡ thân gần ấm áp nhưng tôi có việc về sớm không rõ cái đoạn nghệ sĩ Tào Mạt có bị sao không sau cú vượt… viện hi hữu.

Cũng lắm lúc thấy là lạ. Đã mặc định cố hữu một nghệ sĩ Tào Mạt phóng khoáng ồn ã. Còn nhà văn Phạm Hoa luôn thường trực sự kiệm lời và cẩn trọng chu toàn! Thế mà hai vị này lại khá thân nhau? Có cái gì như chung và tâm đắc kiểu chia lòng chia trí với nhau vậy?

Nhiều lần ghé khu tập thể Vân Hồ cứ thoáng ngồ ngộ một ý nghĩ: Là nếu ai đó muốn gặp cả nhà Phạm Hoa 4 người, hai vợ chồng với 2 cô con gái, thì cứ 6 giờ sáng đến là khắc gặp. Hồi 2 cô con gái chưa lấy chồng, dứt khoát 6 giờ hơn là cả nhà đã cùng ngồi với nhau.

Để làm chi vậy? Ăn sáng chứ còn làm chi nữa! Thiên hạ người ta ăn sáng, mỗi thành viên gia đình thường tóe ra ngả này đường khác theo khẩu vị nhưng nhà Phạm Hoa lâu rồi cứ duy trì cái nếp, mỗi sáng chuẩn không cần chỉnh, nếu không có gì đột xuất là cả 4 phải cùng ăn sáng. Như một trại lính.

“Chồng em, em biết, như người Âm lịch ấy!” Nhớ cái cười của cô giáo Nga, vợ Phạm Hoa: “Nhà em cứ là lính mãn đời. Cứ ngơ ngơ thế nào chả biết tháo vát xoay xỏa gì”.

Luôn đau đáu với trang viết

Nhưng khi Phạm Hoa đột ngột bừng khởi trên mặt bằng viết lách những năm giữa chín mươi với tác phẩm “Đùa của tạo hóa” rồi sau này những Giải thưởng văn chương, Giải thưởng Hội Nhà văn này khác thì Phạm Hoa đã tự tin ghi cái tên mình đã giành được mảnh chiếu con con trong địa hạt trong ngôi đền văn chương viết lách nước nhà!

Ghi tên, xướng tên là một việc, còn đã xoa tay xong việc chưa là một chuyện nhọc nhằn khác. Phạm Hoa luôn đau đáu thậm chí day dứt dằn vặt cái mặc cảm của một người chưa phải là xong việc, có lẽ phải trích ra đây cái đoạn tự bạch của người viết Phạm Hoa trong cuốn “Kỷ yếu Hội Nhà văn” để thấy cái sự tỷ lệ thuận giữa phẩm chất với tính cách: Viết văn là một cuộc đi tìm mình.

Tôi tìm mãi, tìm mãi mà không rõ mình là ai! Để những cuốn sách viết ra không “vô vị”, mang đến cho người đọc thời nay một chút gì đó là những thách thức lớn nhất với tôi. Cứ ảo tưởng, cứ “điếc không sợ súng” như trước đây còn đỡ. Giờ đây cứ cầm bút là lại đắn đo…

Thế nên Phạm Hoa viết chậm, viết không nhiều. Đã đành nhà văn không lấy số lượng sách ra để đo nhưng mãi đến đầu năm hai ngàn, mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Miền xa thẳm”.

May cũng không phụ lòng số đông độc giả đã từng nhiệt thành hóng đợi. Chậm hơn là ông cựu binh nhà văn lính xế ấy đã khư khư, đã cố hữu cái thói quen chả biết là hay dở thế nào.

Tôi thích cái cảm giác cùng âm thanh bút nó chạy trên giấy. Người ta đa phần biện bạch cho thói quen của mình thì thường đắc ý. Còn lão thì thốt ra như một cái thở dài.

Mà lão đâu có được thư thả dư dả thời giờ. Một Đại tá, nhà văn Phạm Hoa từng có đóng góp lớn cho “phần hồn” của hoạt động văn hóa, văn nghệ quân đội. Hẳn bao khán giả còn nhớ Phạm Hoa là tác giả và bỏ ra bao tâm sức coi sóc tiết mục “Chúng tôi là chiến sĩ” trên Truyền hình QĐND.

Tính cách cẩn trọng cùng tài danh qua những tác phẩm văn chương đã bầu nên cái uy của Phạm Hoa. Uy ấy là nói có người nghe, đe có người ngại. Vậy nên Phạm Hoa chững chạc ở ngôi vị nhạy cảm khó khăn. Nhiều bạn bè thân gần đều biết Phạm Hoa ba lần ngồi ở Hội đồng Quốc gia xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT tịnh không hề có những xì xào chuyện chạy chọt tiêu cực.

Công viên đồi hoa trắng vẫn chờ

img

Cựu binh, nhà văn Phạm Hoa (phải) thăm lại chiến trường xưa

Dạo chưa đến thời điểm nghỉ chế độ. Nhưng lắm nơi nhắn nhe chào mời nhà văn Đại tá Phạm Hoa, Cục phó Cục Tuyên huấn Tổng Cục Chính trị về làm, lương lậu hẳn hoi. Nhưng cũng không ít những đắn đo, cuối cùng cựu binh Phạm Hoa xin đầu quân cho một cơ quan không có lương. Ấy là Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh!

Đường Trường Sơn! Như một thứ hú gọi bản năng, tập thể, bầy đàn, tử tế cùng nghiêm lạnh làm nên một chuyến đi của Hội Truyền thống Đường Trường Sơn mà tôi vinh dự được ghé.

Phạm Hoa từng kể một câu chuyện cũ. Một giữa trưa chạy liều qua Xê Ca Máng, bất đồ thằng xe đi trước đạp phanh khựng lại trước một nẻo suối khuất. Phạm Hoa thét to: Lăn xuống suối mau! rồi Hoa bật cửa xe ào ra trước... Tưởng bom bất thần, hóa ra không phải.

Trời ơi, hàng chục cô TNXP đang tắm suối! Những khoảng trắng như tòa thiên nhiên rợn người hệt mảnh kim khí găm vào thị giác hai thằng lính trẻ. Ngây đờ ra một lúc, hai đứa lập cập trèo lên buồng lái để lại sau lưng những khoảng lôm lốp trong trưa nắng vắng Trường Sơn và những cung bậc trêu cợt trẻ trung nghịch ngợm...

Khoảng thanh bình hiếm hoi ấy không lâu. Bất thần những tiếng nổ dậy đất phía sau lưng. May xe Phạm Hoa đã thoát khỏi tọa độ ngầm nguy hiểm. Cả hai hướng cái nhìn đau đớn bất lực về khoảng đen sì khói bom tọa độ bất thần úp chụp xuống những khoảng, những sắc trắng bình yên sau lưng kia! Trời ơi, các cô TNXP vừa nãy hẵng còn đương tắm.

Đoàn công tác dừng lâu hơn ở Trạ Ang trên đường 20 Quyết Thắng nơi đại đội xe Phạm Hoa thoát chết. Một chiến dịch vận chuyển gấp xăng dầu qua Trạ Ang.

Ánh lửa chết chóc tóe lên từ những phi xăng bị đánh trúng bằng bom đạn trong đó có bom Napan, lạ thay cứ hộc tóe ra thứ lửa trắng rợn! Thứ lửa trắng chết chóc ấy đã phút chốc úp chụp xuống đội hình của bộ đội TNXP đảm bảo cung đường. 29 chàng trai cô gái người nhiều nhất mới 22 tuổi phút chốc bị liệm trắng!

Và ông cựu binh Phạm Hoa trong chuyến đi ấy đã trưng ra một thứ lạ. Điều lạ ấy mau chóng được anh em trong Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh khuyến khích, tu chỉnh coi đó là một công trình độc đáo tập thể. Đó là dự án Công viên đồi hoa trắng.

Một quả đồi trên đường Trường Sơn huyền thoại, được trồng hàng trăm loài loại hoa trắng, cố gắng chọn thứ có hương thơm. Ghế đá trên lối chiếu nghỉ được chế từ các vật liệu màu trắng. Trên đỉnh đồi tọa lạc một Đền thờ màu trắng giản dị khiêm nhường được thiết kế theo phong cách Đền thờ Việt bằng đá cẩm thạch màu trắng.

Không bàn suông, Hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Kết cục, lãnh đạo Quảng Bình đã đồng thuận cao. Địa điểm Công viên Đồi hoa trắng được quyết từ điểm đầu Km số không của Đường 20 Quyết Thắng.

Rứa mà, nỏ biết vì lý do chi, Dự án đẹp và lãng mạn ấy bao năm nay đã không được triển khai. Bao niềm chung nỗi riêng ngổn ngang thời khắc này! Nhớ, thương nhiều lắm Phạm Hoa!

Bao lần xuôi quê Thanh lẫn lên rừng xuống biển. Làm sao để quên để nguôi khuây được đây cái cảm giác quen thương từ cái người từng sát sạt trên xe miên man bao chuyến đi. Bên chỗ ngồi, nơi nằm ở các vùng đất quen và lạ.

Phạm Hoa như cái gạch nối hữu hiệu làm gần lại những khoảng cách bạn bè lẫn dân viết lách không biết vì lý do gì, bất thần tự nhiên doãng ra. Và ở nơi nào, hoàn cảnh nào cũng vậy, cũng phát lộ một Phạm Hoa khi thủ thỉ, lúc vấn vít đau đáu cái tâm sự thời cuộc lẫn nỗi bộn bề chuyện bếp núc của viết lách chữ nghĩa, văn chương!

Vẫn biết là tật bệnh cùng con tạo đành hanh hiệp sức vốn chả chừa ai! Nhưng sự ra đi của một người thân yêu tính cả tuổi ta cũng mới tròn 70 thì cũng một sự “Đùa của tạo hóa” vậy?

Nhà văn Phạm Hoa, sinh năm 1952. Các tác phẩm chính: Ngày không bình thường (truyện ngắn, 1984); Tiếng chim (truyện ngắn, in chung, 1985); Đừng quên mùa hoa săng lẻ (truyện ngắn, 1986); Mỗi thời của họ (truyện ngắn, 1993); Đùa của tạo hóa (truyện ngắn, 1996); Truyện ngắn Phạm Hoa (tập truyện ngắn, 2002); Miền xa thẳm (tiểu thuyết, 2002).

Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1982). Giải ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (1991). Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2003); Giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GTVT tổ chức với tác phẩm Thuyền lên Thạch Hãn (2015).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.