Sở hữu hơn 4.000ha rừng cùng với hồ Đại Lải nổi tiếng, xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) được ví như “lá phổi xanh” của cả vùng giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội.
Tuy vậy, thời gian qua nhiều cánh rừng, quả đồi ở đây bị phá không thương tiếc. Những biệt thự nghỉ dưỡng mọc lên trước sự thờ ơ đến khó hiểu của chính quyền địa phương.
Phú Lâm Farmstay xây hàng loạt công trình trái phép trên đất rừng
Ngang nhiên phá rừng làm khu du lịch trái phép
Chỉ khoảng 2 năm trước, ghi nhận thực tế của PV trên địa bàn xã Ngọc Thanh, những cánh rừng dọc các tuyến đường vẫn bạt ngàn màu xanh, chỉ thỉnh thoảng mới gặp vài ngôi nhà. Thời điểm đó, bắt đầu manh nha “phong trào” người ở Hà Nội, Vĩnh Phúc kéo về đây mua đất, làm nhà để nghỉ ngơi dịp cuối tuần.
Tới đầu năm 2022, khi trở lại rừng Ngọc Thanh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tốc độ phá rừng tại đây. Những cánh rừng sản xuất của người dân thuộc các thôn Thanh Lộc, Đại Lộc, Ngọc Chằm... bị bạt, san gạt thành đường.
Có khu vực người ta chặt cây, dùng máy xúc san gạt cả quả đồi. Người dân nơi đây không ngại ngần, nói thẳng “đấy là đất của ông B., bà A. chuẩn bị làm biệt thự”.
Trong số các vụ phá rừng, xây dựng trái phép, ngang nhiên nhất phải kể tới Khu du lịch sinh thái Phú Lâm Farmstay.
Thời gian gần đây, Phú Lâm Farmstay quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội là một khu du lịch sinh thái đẳng cấp với quy mô hoành tráng là các dãy nhà kiên cố, bể bơi, vườn cây, khu vui chơi ngoài trời...
Trong vai khách hàng có nhu cầu thuê phòng nghỉ và sử dụng các dịch vụ tại khu sinh thái, chúng tôi được nhân viên báo giá thuê phòng nghỉ từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/ngày.
Với quy mô hoành tráng như vậy, nhưng toàn bộ những công trình xây dựng tại Phú Lâm Farmstay đều là trái phép. Tại đây cũng chưa hề được cấp phép dịch vụ du lịch lưu trú.
Ông Lưu Tiến Chung, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: “Phú Lâm Farmstay thuộc quản lý của ông Trịnh Duy Long, là người địa phương. Ông Long được giao 12ha đất rừng sản xuất nhưng đã tự ý xây dựng nhiều công trình kiên cố trên diện tích 1.100m2 để làm mô hình du lịch sinh thái”.
Cạo trọc đồi, lấp hồ để làm công trình “khủng”
Bức tường dài hàng trăm mét bao quanh quả đồi mà Công ty Gia Phúc xây dựng trái phép trên đất rừng
Trên địa bàn xã Ngọc Thanh, ngoài hồ Đại Lải còn có 1 hồ chứa nước ngọt khác là hồ Trại Trâu thuộc sự quản lý, vận hành và khai thác của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Thời gian vừa qua, hồ Trại Trâu bị một số cá nhân ngang nhiên đổ đất lấp hồ với diện tích hàng nghìn m2. Theo lý giải của UBND xã Ngọc Thanh, ngay khi phát hiện sự việc, xã đã chỉ đạo tiến hành cưỡng chế, yêu cầu xúc hót hết đất đổ xuống lòng hồ. Tuy vậy, thực tế thì hồ này đang bị biến dạng bởi hàng nghìn khối đất đỏ quạch đổ xuống lấn hồ.
Điều đặc biệt, ngay sát hồ Trại Trâu, một quả đồi đã bị cạo trọc, tại đây mọc lên một công trình “khủng”. Theo ông Chung, quả đồi này có diện tích 2,2ha, là đất rừng sản xuất.
Năm 2020, Công ty Gia Phúc do bà Nguyễn Thị Vân Anh làm giám đốc nhận chuyển nhượng lại quả đồi này từ một người dân. Doanh nghiệp này sau đó đã tự ý xây dựng các công trình bờ kè, nhà, bể nước, đường...
Mục sở thị mảnh đất mà doanh nghiệp Gia Phúc đã xây dựng trái phép, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô của công trình.
Cả một quả đồi trồng cây lâm nghiệp bị san gạt, cắt thành từng tầng, lớp. Ngay sát vệ đường, bao quanh là bức tường sừng sững cao 3 – 4m bằng bê tông dày. Những con đường nối từ chân đồi lên đỉnh đồi được hình thành với những bức tường bê tông khiến nhiều người nghĩ chủ đầu tư đang xây dựng cả một khu du lịch.
Lạ lùng cách xử lý vi phạm
Nhiều khu vực rừng ở xã Ngọc Thanh bị cạo trọc để biến thành đất xây biệt thự
Trong quá trình tìm hiểu về 2 công trình “khủng” xây dựng trái phép ở xã Ngọc Thanh, PV không khỏi ngạc nhiên về cách xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương này.
Đối với Khu du lịch sinh thái Phú Lâm Farmstay, đại diện UBND xã Ngọc Thanh cho biết đã phát hiện ra việc ông Trịnh Duy Long xây dựng trái phép trên đất rừng từ sớm.
Theo đó, từ cuối năm 2019, xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản về hành vi xây dựng trái phép trên đất rừng khi ông Long mới đang xây dựng những công trình đầu tiên.
Vì quy mô vụ việc vượt quá thẩm quyền nên xã đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, báo cáo để TP Phúc Yên ra quyết định xử phạt.
Tuy vậy, tới gần 1 năm sau, UBND TP Phúc Yên mới ra được quyết định xử lý. Trong thời gian đó, hộ ông Long đã kịp hoàn thiện hàng loạt những công trình quy mô lớn như dãy nhà kiên cố, bể bơi, vườn cây, khu vui chơi ngoài trời...
Điều khó hiểu hơn nữa là do thời gian ra quyết định quá lâu nên... đã quá thời hạn xử lý vi phạm theo quy định. Chính vì vậy, TP Phúc Yên không thể xử phạt được mà chỉ yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện tháo dỡ toàn bộ những công trình vi phạm.
Ông Long không đồng ý với quyết định tháo dỡ mà tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên tỉnh Vĩnh Phúc với lý do “muốn giữ lại công trình sai phạm để phát triển khu du lịch sinh thái”.
Mới đây nhất, ngày 21/2/2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Công văn số 996 giao cho các cơ quan chức năng “tiếp tục báo cáo tỉnh về khiếu nại của ông Trịnh Duy Long” mà chưa có động thái nào tiếp theo.
Tại công trình sai phạm “khủng” của doanh nghiệp Gia Phúc cũng xuất hiện nhiều bất thường. Dù việc cạo trọc cả quả đồi, san gạt, xây hàng loạt công trình trái phép trên đất rừng nhưng lại không được ngăn chặn kịp thời.
Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Thanh, thửa đất đang bị san gạt là đất lâm nghiệp có vị trí thuộc lô 22, khoảnh IIIA, tiểu khu II Đồng Chằm.
Trước đó, tháng 3/2021, xã phối hợp với Hạt kiểm lâm Phúc Yên kiểm tra việc sử dụng đất của bà Vân Anh đã phát hiện ra nhiều sai phạm như xây nhà, dựng tường kè, rãnh thoát nước, làm đường băng, tường rào ranh giới làm bằng thép V lưới B40, bể chứa nước.
Ngay sau khi kiểm tra phát hiện tình trạng san gạt, xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp, xã đã yêu cầu bà Vân Anh dừng mọi hoạt động san gạt, không được xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp và sử dụng đất đúng mục đích.
“Chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Gia Phúc. Đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả là tháo dỡ toàn bộ hệ thống tường, kè, đường băng, nhà...
Sau khi TP Phúc Yên ra quyết định xử lý vi phạm thì Công ty Gia Phúc cũng gửi đơn kiến nghị lên tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị được giữ lại những công trình vi phạm để phát triển du lịch bền vững nhưng tỉnh chưa chấp nhận”, ông Lưu Tiến Chung cho biết.
Dường như có một điểm chung tại các vụ việc phá rừng làm biệt thự, khu nghỉ dưỡng ở rừng Ngọc Thanh là chính quyền địa phương đều phát hiện ra, đều lập biên bản xử lý nhưng hoạt động xây dựng trái phép vẫn “lén lút” diễn ra.
Tới nay, các công trình “khủng” này đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình xây dựng thì chủ đầu tư lại kiến nghị cho phép hợp thức hóa như sự đã rồi. Hậu quả, “lá phổi xanh” ngay sát Thủ đô Hà Nội ngày càng nham nhở bởi gạch, đá, xi măng.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc để thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận