Nghị định 100/2019 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) đã bổ sung, tăng nặng mức phạt hàng loạt hành vi vi phạm các quy định khi tham gia giao thông. Điển hình là mức xử lý hành vi xe ô tô đi lùi trên đường cao tốc tăng từ 800.000 - 1,2 triệu đồng, tước GPLX từ 2 - 4 tháng lên 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 - 7 tháng.
Việc tăng nặng mức phạt đến hơn 10 lần được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để hành vi coi thường pháp luật của nhiều tài xế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, liên tiếp các vụ tài xế cho xe ô tô đi lùi trên cao tốc vẫn diễn ra, đe dọa đến ATGT trên các tuyến đường trọng điểm.
Mới đây nhất, trưa 1/2, hình ảnh từ camera giám sát của Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ghi lại hình ảnh một tài xế điều khiển chiếc xe tải loại lớn BKS 15C-111.21 đi lùi trên làn đường số 3 hướng Hải Phòng - Hà Nội từ Km 49+700 - Km 49+900 nhằm thoát ra khỏi đường cao tốc này tại nút giao với QL38B (địa phận thị trấn Gia Lộc, Hải Dương).
Trước đó, ngày 1/1, tài xế Vũ Quý H. (trú tại huyện Bình Giang, Hải Dương) cũng ngang nhiên điều khiển xe bồn BKS BKS 88C-050.67 đi lùi tại Km 49+300 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hướng Hải Phòng đi Hà Nội.
Các vụ việc trên tuy không gây ra sự cố đáng tiếc và bị xử phạt đúng quy định, nhưng khiến không ít người tham gia giao thông “thót tim” vì sự chủ quan, coi thường tính mạng người khác của các lái xe.
“Ngỡ tưởng, việc đánh mạnh vào kinh tế sẽ khiến các lái xe làm chủ hành vi của mình, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, nhưng xem ra, tiền chưa phải là tất cả với những lái xe này. Cần phải có hình thức trừng trị thích đáng hơn, tước vĩnh viễn GPLX của tài xế”, ý kiến chia sẻ của một thành viên trên mạng xã hội.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, hành vi điều khiển ô tô đi lùi trên cao tốc không chỉ thể hiện sự vô cảm, coi thường pháp luật của lái xe mà nó còn tạo ra nguy cơ va chạm, dẫn đến những vụ TNGT thảm khốc trên đường cao tốc. Vì vậy, vi phạm này cần phải được xử lý nghiêm và tuyên truyền rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng để tạo sự răn đe.
“Ngoài việc xử lý lái xe, trách nhiệm của DN kinh doanh vận tải cũng cần phải được truy cứu khi có đủ bằng chứng. Bởi hiện tại, đa số các DN đều có bộ phận quản lý an toàn qua thiết bị giám sát hành trình. Vi phạm của lái xe diễn ra thể hiện sự kiểm soát thiếu sát sao, chưa chặt chẽ của DN quản lý”, ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thạch, các trường hợp vi phạm vừa qua diễn ra cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục về nghị định mới của các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đến lái xe vẫn chưa đầy đủ. Thời gian tới, sở GTVT, ban ATGT các địa phương cần tăng cường kiểm soát, quán triệt các DN vận tải phải tổ chức phổ biến rộng rãi quy định mới, các mức phạt tăng nặng đến lái xe, đặc biệt là lái xe tải để họ có nhận thức và ý thức cao hơn khi cầm vô lăng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận