Ngày 28/12, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 2 vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết), Phạm Thị Quyết (SN 1967, trú tại TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Phiên toà, có 2 bị hại là vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết, 1 người có quyền và nghĩa vụ liên quan và 2 người làm chứng cùng tham gia tranh tụng.
Ngoài ra, vợ chồng ông Phạm Công Tự cùng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “trắng”) có đơn xin xét xử vắng mặt.
Bị cáo Nguyễn Văn Lẫm
Trong phần thủ tục sau khi mở lại phiên tòa, 2 bị cáo và luật sư Trần Hồng Lĩnh cùng một số luật sư khác tiếp tục đề nghị HĐXX thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và 1 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa vì cho rằng không đảm bảo khách quan, công tâm.
Đồng thời, họ đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập lãnh đạo Công an TP Thái Bình, một số điều tra viên, kiểm sát viên và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) và Bùi Mạnh Tiến (Tiến “Trắng”, con nuôi Đường “Nhuệ”).
Đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình bày tỏ quan điểm vẫn tiến hành phiên tòa và xét thấy yêu cầu triệu tập thêm 1 số người của các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo là không có căn cứ, không cần thiết.
Sau khi hội ý, HĐXX tuyên bố không chấp nhận đề nghị thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa.
Đồng thời, HĐXX cho rằng, không cần thiết phải triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên và lãnh đạo Công an TP Thái Bình. HĐXX cũng không chấp nhận đề nghị triệu tập vợ chồng ông Phạm Công Tự (trú TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì đã có rất nhiều lời khai trong hồ sơ vụ án.
Ngoài ra, một số nhân chứng khác đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên không cần phải triệu tập, trong đó có Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến.
HĐXX đưa ra quyết định vẫn tiếp tục phiên tòa, không hoãn.
Trong phần xét hỏi, trước mọi câu hỏi của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa và đại diện viện kiểm sát, 2 bị cáo Lẫm và Quyết liên tục nhắc đi, nhắc lại duy nhất 1 câu: "Tôi bị oan, đề nghị tòa trả hồ sơ cho viện kiểm sát, đình chỉ vụ án, trả tự do cho tôi, trả xe ô tô cho tôi, trả công ty cho tôi, trả căn cước công dân cho tôi...".
Bị cáo Phạm Thị Quyết
Về phía bị hại, ông Đỗ Văn Tới cho biết, do chỗ quen biết và tin tưởng nên đã cho vợ chồng Lẫm Quyết vay tiền.
"Khoản 400 triệu đầu tiên, tôi cho Lẫm, Quyết vay là tiền vợ chồng tôi tích cóp được. Khoản 500 triệu sau đó là tôi thế chấp nhà, vừa mới đi vay ngân hàng về để làm ăn thì Lẫm, Quyết lại đến hỏi vay. Ngày hôm trước tôi vay ngân hàng, ngày hôm sau cho vay lại ngay", ông Tới trình bày.
Cũng theo ông Tới, gia đình lâm vào cảnh khốn khổ phải bán nhà đi để có tiền trả cho ngân hàng. Hiện 2 vợ chồng đang đi ở thuê.
"Khoản này tôi vay ngân hàng trong thời hạn 6 tháng, cứ đến hạn đáo nợ là Lẫm, Quyết mang tiền đến cho tôi để trả cho ngân hàng rồi lại vay lại để đưa cho Lẫm, Quyết vay. Được khoảng 2, 3 lần gì đó thì Lẫm, Quyết không trả nữa”, ông Tới nói.
Trong khi đó, theo hồ sơ vụ án và trình bày tại tòa của bà Lê Thị Tuyết - vợ ông Tới, ngoài các khoản vay 400 triệu và 500 triệu mà ông Tới cho Lẫm, Quyết vay, bà Tuyết còn cho vợ chồng bị cáo vay một khoản tiền khác trên 1 tỉ đồng, đến nay chưa được trả tiền gốc.
Theo kết luận điều tra, vợ chồng Lẫm Quyết có vay của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết, trú tại TP Thái Bình tổng số tiền 900 triệu đồng và thế chấp vay bằng chiếc xe ô tô Camry.
Thế nhưng, vợ chồng Lẫm Quyết lại gian dối bán chiếc ô tô đi, sau khi ông Tới đến đòi tiền thì 2 bị cáo tạo dựng ra việc đã trả tiền cho ông Tới bằng hình thức viết giấy biên nhận. Tuy nhiên, giấy này đã bị thất lạc trong quá trình Đường "Nhuệ" cùng đàn em xâm phạm và chiếm đóng trụ sở Công ty Lâm Quyết.
Vào tháng 6/2019, ông Lẫm và bà Quyết bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 và 13 năm tù vì tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình bị khởi tố, truy tố và xét xử, cả ông Lẫm và bà Quyết cùng gia đình đều làm đơn kêu oan.
Ngày 11/5/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án. Đồng thời, 2 bị cáo cũng được thay đổi biện pháp từ tạm giam thành bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngày 27/5/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định trả hồ sơ để Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình điều tra lại vụ án theo thẩm quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận