Trong ráng chiều nhạt nắng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Cam (SN 1965) ở thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Căn nhà cấp 4 cũ kỹ hoen màu thời gian nay đã có dấu hiệu xuống cấp, tài sản trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ mèm.
Bà Cam làm nông, những lúc rảnh tay ai kêu gì làm đó, còn chồng là ông Nguyễn Văn Thông (SN 1962) mưu sinh bằng nghề thợ mộc. Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, tằn tiện từng đồng để nuôi 4 người con (3 trai, 1 gái) ăn học, cuộc sống dù khó khăn vất vả nhưng rất vui vẻ, thuận hoà.
Thế nhưng, tai hoạ bỗng ập đến vào một đêm tháng 8/2012, ông Thông trên đường đi làm về bị xe tông tử vong. 2 năm sau, đau thương mất mát chưa vơi thì người con trai đầu của bà cũng qua đời vì TNGT. Sau đó, con trai thứ 3 là Nguyễn Văn Trung (SN 1991) cũng bị TNGT khiến người phụ nữ ấy như ngã quỵ, bà khóc cạn nước mắt vì thương con và cám cảnh éo le của gia đình.
Vụ tai nạn ấy khiến Trung bị mù, thần kinh không ổn định. Những lúc trái gió trở trời, Trung chửi rủa, đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí có lần bà Cam buộc lòng phải nhốt con trong phòng.
Thuộc diện người tàn tật nặng nên mỗi tháng Trung được nhà nước trợ cấp 540 nghìn đồng, bà Cam cũng được hỗ trợ 270 nghìn đồng để chăm con. Vì vậy, mọi lo toan đều choàng lên vai người phụ nữ 54 tuổi, thu nhập bấp bênh cộng với chi phí sinh hoạt gia đình, tiền thuốc men chữa trị cho con nên lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau.
“Tôi bị bệnh bướu cổ, trải qua nhiều đợt phẫu thuật nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Khổ cực mấy tôi cũng chịu được chỉ mong các con khoẻ mạnh, sống vui”, bà Cam tâm sự.
Đồng cảnh ngộ với bà Cam là chị Nguyễn Thị Thuý (trú tại Kp5, P3, Tx. Quảng Trị). Chị Thuý kể rằng, chị làm nghề cắt tóc, còn chồng là anh Trần Hữu Ánh làm thợ sửa chữa xe máy. Cả hai kết hôn vào năm 2007 và có với nhau 2 người con trai, đứa lớn năm nay 11 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3.
Dịp lễ Noel năm ngoái, anh Ánh đi từ Tp. Đông Hà về nhà thì xảy ra va chạm với xe ô tô tại QL1A, đoạn qua xã Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị) dẫn đến tử vong. Từ ngày anh Ánh qua đời, chị Thuý vừa làm mẹ vừa làm cha của các con, một mình cáng đáng mọi việc trong nhà mà không một lần ca thán.
Gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo, khó khăn. Cả 3 mẹ con sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, mưa to nhà dột tứ bề, bão lũ thì lại dắt díu nhau đi nương nhờ nhà họ hàng. Đã vậy, khoản nợ hơn 400 triệu đồng từ ngày hai vợ chồng vay mượn mua đất vẫn chưa trả hết khiến khó khăn cứ thế chồng chất khó khăn.
“Từ ngày chồng mất, tôi dường như mất phương hướng. Bây giờ phải cố gắng nén đau thương, làm lụng nuôi các con ăn học nên người, chứ tôi mà ngã quỵ thì ai chăm lo cho các con”, chị Thuý rưng rưng nước mắt nói.
Nhằm chia sẻ những tổn thất, mất mát, khó khăn với gia đình bà Nguyễn Thị Cam và chị Nguyễn Thị Thuý, vừa qua, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Quảng Trị đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng, 1 MBH. Đợt này, Ban ATGT tỉnh cũng đã đến thăm và tặng quà cho 54 gia đình, thân nhân của các nạn nhân tử vong do TNGT, các nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn thuộc 9 huyện, thị, thành trong tỉnh với tổng mức hỗ trợ là 108 triệu đồng và 54 MBH.
Đại tá Lê Phương Nam, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh chia sẻ rằng, nỗi đau TNGT luôn là một tổn thất không thể nào bù đắp được kể cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo cho mình ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, mỗi người ở lại chính là một tuyên truyền viên gương mẫu nhằm đẩy lùi, kiềm chế TNGT đến mức thấp nhất, để nỗi đau TNGT không còn là nỗi ám ảnh của mỗi nhà, mỗi gia đình trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận