Công nghệ

Với vài chục triệu, doanh nghiệp chuyển đổi số được không?

05/07/2023, 16:24

Người buôn bán ven đường cũng có thể tham gia vào việc chuyển đổi số bằng cách bán hàng online, liên kết với các nền tảng thanh toán.

Dùng công cụ miễn phí để chuyển đổi số

Tiêu đề bài viết này là câu hỏi được doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu" do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức sáng 5/7.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu về chuyển đổi số ở Việt Nam, với những đơn vị không có nhiều kinh phí, việc mua phần mềm, chuyển đổi dữ liệu từ các hợp đồng, biểu mẫu cũng là một dạng chuyển đổi số.

Tổng giám đốc Pama Phạm Vũ Hiệp khẳng định: "Ngoài cải thiện những gì đang làm, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ, ứng dụng miễn phí trên mạng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chỉ có mấy chục triệu cũng có thể chuyển đổi số được, quan trọng là chúng ta xác định làm cái gì và có người để làm".

Ông Thái Trí Hùng - Giám đốc công nghệ Ứng dụng ví Momo thì cho rằng "Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán ven đường cũng có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số bằng cách bán hàng online, liên kết với các nền tảng phân phối hàng hóa và thanh toán".

"Thông qua công nghệ, mạng xã hội, chúng ta gần hơn với khách hàng cũng là chuyển đổi số rồi", ông Hùng nói.

img

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số trình bày tại diễn đàn.

Dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi chuyển đổi số được truyền thông mạnh mẽ thời gian qua nhưng chưa hiệu quả, cần phải làm gì?, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho rằng doanh nghiệp luôn hỏi có lợi ích gì khi chuyển đổi số.

"Tuy nhiên, nội dung doanh nghiệp được tiếp cận về chuyển đổi số hiện nay chưa thống nhất. Các văn bản, quy định, hướng dẫn về chuyển đổi số đã lên đến hàng trăm, rất khó nắm được đúng bản chất vấn đề trong khi Việt Nam đang thiếu chuyên gia hướng dẫn và các trung tâm thúc đẩy chuyển đổi số. Chúng ta đang thực hiện mục tiêu lớn, yêu cầu nhanh nhưng với một đội ngũ "nửa chừng", ông Giang chia sẻ.

Theo ông Giang, chuyển đổi số là một phương thức, tiến trình để thực hiện được mục đích (ví dụ như để phục vụ người dân tốt hơn, để tăng năng suất, khách hàng, doanh thu) chứ để chuyển đổi số không phải là mục tiêu hay một đồ trang sức như nhiều người nhầm tưởng.

Chuyển đổi số sẽ làm cho dữ liệu trở nên có giá trị bằng cách cấu trúc thành sản phẩm để mang đi bán. Khi hiểu được dữ liệu là một tài sản, doanh nghiệp sẽ sớm chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn, ông Giang đề xuất Nhà nước cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng lãi suất thấp để thực hiện các đề án chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Nếu không đầu tư, sẽ không thể tạo ra đột phá.

img

Diễn đàn Chuyển đổi số quốc gia

Đo sở thích khán giả để tạo ra sản phẩm được ưa chuộng

Là một trong những diễn giả tham gia diễn đàn, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON, cho biết các chương trình của doanh nghiệp này đều được đưa lên mạng. Khi đó, toàn bộ bình luận, thông số người xem như độ tuổi, giới tính và thị hiếu sẽ được thu thập. Từ bộ tiêu chí về nhu cầu tiếp nhận đó, VieON xây dựng nội dung, mua các fomat chương trình phù hợp với khán giả.

Ông Thủy cho rằng để bắt kịp xu hướng và dẫn dắt khán giả, doanh nghiệp phải có nhiều thông tin về người dùng. VieON xây dựng các bộ phim, chương trình giải trí mang bản sắc, được đông đảo khán giả đón nhận cũng nhờ sử dụng dữ liệu này.

Còn theo ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam, chuyển đổi số không phải thích thì chọn mà là con đường bắt buộc để tăng năng suất và tăng giá trị sản phẩm. Muốn chuyển đổi số bắt buộc phải có dữ liệu.

Dẫn thống kê của MIT, ông Triết cho biết đến năm 2025 sẽ có 175 Zettabytes data được sinh ra. Nếu mỗi USB là 1 GB, cần có 175 ngàn tỷ USB mới lưu trữ hết. Lượng USB này có thể xếp vòng quanh 222 lần đường xích đạo.

“Dữ liệu là một loại tài sản quý, vô hình mà không bao giờ có trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chúng ta nhiều khi đã quên đi mất loại tài sản này”, giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam nói và cho biết 66% CEO cho rằng việc nắm trong tay dữ liệu giúp họ làm việc tốt hơn so với các đối tác.

Biến nhân viên "không số" thành nhân viên số

Bí quyết để chuyển đổi số thành công là truyền thông nội bộ, theo Giám đốc Network Việt Nam Nguyễn Khánh Hưng.

Vị này cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần biến một nhân viên "không số" không có kỹ năng sử dụng máy tính, công nghệ, công cụ thu thập dữ liệu... thành "nhân viên số".

Chỉ khi cả tập thể nhất trí, đồng lòng dùng chuyển đổi số làm phương thức để đạt được mục tiêu, thường xuyên truyền thông nội bộ, đào tạo cho nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc mới, tạo ra vị thế mới cho "nhân viên số" thì mới thành công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.