Tài chính

Vốn ngân hàng cho DN nhỏ, miếng ngon trên cột mỡ!

08/08/2018, 07:00

Đây là cách ví von đầy cay đắng của chủ doanh nghiệp khi nói về hành trình khó khăn đi vay vốn ngân hàng...

4

Tài sản đảm bảo là một trong những rào cản lớn khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng - Ảnh: Tạ Tốn

Ngân hàng quay lưng với DN nhỏ

Anh Nguyễn Thành Lâm, chủ một trang trại nông nghiệp trồng bưởi Diễn ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Để có vốn đầu tư cho trang trại quy mô hộ gia đình này, anh Lâm đã mang sổ đỏ mấy mảnh đất đi cầm cố ngân hàng mới vay được vốn. Hiệu quả kinh tế tăng lên, anh Lâm muốn tiếp tục mở rộng quy mô trang trại và cân nhắc lên DN. Với mô hình điển hình tại vùng, anh Lâm là 1 trong 5 thanh niên được xét duyệt vay vốn Ngân hàng Chính sách với gói vay 1 tỷ đồng. Anh Lâm cho biết, các dự án vay vốn này đều được xét duyệt và đề xuất từ Đoàn Thanh niên, UBND xã và tới Sở KH&ĐT.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, ngành Ngân hàng hiện có dư nợ trên 1.400 nghìn tỷ đồng cho khối các DN nhỏ và vừa với tốc độ tăng trưởng 4,5%, thấp hơn mặt bằng chung. Bên cạnh vốn ngân hàng, các DN này cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (có quy mô 2 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ) nhưng tới nay mới chỉ cho vay rất ít, bảo lãnh 145 tỷ đồng. Còn lại các quỹ địa phương mới có 28 địa phương thành lập quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa với quy mô vốn cho ra đạt hơn 500 tỷ đồng.

Dù đã có “tấm vé bảo lãnh” của chừng ấy đơn vị, nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu anh Lâm phải có tài sản đảm bảo mới cấp vốn. Và trong số 5 dự án cùng đi vay vốn đó, chỉ có một DN kinh doanh quảng cáo ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội vay được 600 triệu đồng. “Tôi muốn vay 1 tỷ đồng, nếu không thì cũng 500 triệu đồng nhưng không được. Điều kiện về tài sản đảm bảo quá nặng nề”, anh Lâm ngao ngán và cho biết thêm, dù tài sản là cây, nhà kính và các tài sản trên đất khác của anh giá trị nhiều tỷ đồng nhưng ngân hàng cho rằng, không thể mang ra thế chấp.

Mang câu chuyện này tới Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa” do VCCI tổ chức chiều 7/8, anh Lâm cho biết, anh không còn hy vọng vay được vốn mà chỉ muốn chia sẻ để các đại biểu biết được thực tế các đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ đang phải đối mặt.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, theo thống kê từ VCCI, có tới 60% DN nhỏ và vừa không tiếp cận được và không sử dụng vốn vay ngân hàng; Đặc biệt là các DN khởi nghiệp. “Các doanh nghiệp này chủ yếu bắt nguồn từ học sinh, sinh viên, các em mới lớn. Họ làm gì có tiền vốn, tài sản, chỉ có trí tuệ, có ý tưởng. Những đối tượng này rất cần vốn của xã hội, trong đó vốn ngân hàng là nguồn rất quan trọng”, ông Lộc nói.

Nên tiếp cận với nhiều nguồn vốn khác

Ông Vũ Tiến Lộc cũng dẫn số liệu, tính đến tháng hết 7/2018, nếu tính cả 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì số lượng các DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đã đạt gần 6 triệu đơn vị. Trong số này chỉ có 2 triệu đơn vị kinh doanh có đăng ký, trong đó là khoảng 1,3 triệu hộ và 670 nghìn DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ. “Còn lại trên 3 triệu đơn vị kinh tế này hoạt động không chính thức. Chính việc ít minh bạch thông tin, quản trị kém là điểm yếu khó tạo niềm tin để ngân hàng cho vay vốn, chưa tính tới không có tài sản đảm bảo. Đây cũng là lý do các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tài chính nói không với các DN nhỏ và vừa”, ông Lộc lý giải. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược ngân hàng, khối DN này tạo ra 60% việc làm, 44% doanh thu, 39% ngân sách quốc gia, nên rất đáng để quan tâm trong chiến lược phát triển lợi ích quốc gia.

Nhận định “ngân hàng không cần DN nhỏ và vừa”, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh đưa ra số liệu: Hiện nay, hệ thống NHTM có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khoảng 20% và quy mô tín dụng trong nền kinh tế chiếm khoảng 120% GDP. Nhưng nhìn vào báo cáo tài chính 6 tháng, ông Ánh cho rằng, các ngân hàng đang lãi khủng khiếp, nhiều nghìn tỷ đồng. Như vậy, không cần cho vay DNNVV cũng lãi lớn rồi. Ông Ánh cũng khuyên các DNNVV và siêu nhỏ nếu muốn tiếp cận vốn phải tự nâng mình lên, đáp ứng được chuẩn cho vay của ngân hàng chứ đừng đợi ngân hàng “nhìn xuống”.

Theo lời khuyên của chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, các DN này có thể xem xét tới các nguồn vốn khác là từ công ty cho thuê tài chính với 11 công ty đang thực hiện nghiệp vụ này với dư nợ 9 nghìn tỷ đồng; tìm tới các quỹ bảo lãnh tín dụng, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhất là khi tới đây hàng loạt Nghị định về hỗ trợ DN, quỹ bảo lãnh… có hiệu lực. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.