Mẹ và con trai út thoát nạn vì lên nhà ngủ trước
Ngày 4/6, PV Báo Giao thông tới thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng - nơi vừa xảy ra vụ việc 3 bố con bị ngạt khí và được biết, sáng 4/6, gia đình đã tổ chức tang lễ và đưa cháu P.M.H (sinh năm 2003) về nơi an nghỉ cuối cùng.
Được biết, anh P.V.T (sinh năm 1974) và con gái P.N.K. (sinh năm 2008) vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trong không gian chật chội, hai xe ô tô đã cũ nên lượng khí thải càng đậm đặc, đã dẫn tới tình trạng nạn nhân bị ngộ độc khí
Ông L.V.Q, một người dân sống gần nhà vợ chồng anh P.V.T (sinh năm 1974) và chị L.T.L (sinh năm 1976) cho biết, gia đình anh T., chị L. có 3 người con, 2 cô con gái đầu là P.M.H, P.N.K. và cậu con trai út còn ở độ tuổi học mẫu giáo.
Đêm 1/6 đến rạng sáng 2/6, khu vực nhà các nạn nhân nói trên bị mất điện từ sáng, trong khi đó thời tiết những ngày này rất nóng. Đến nửa đêm, khu vực tổ dân phố Văn Tràng 1, nơi gia đình nạn nhân ở vẫn chưa được cấp điện lại.
Theo ông Q., gia đình 5 người gồm hai vợ chồng chị L. và 3 con nhỏ đã tìm cách chống nóng bằng việc xuống gara ô tô ở tầng 1, vào 2 xe ô tô bật điều hòa để ngủ vì sáng hôm sau là cháu P.N.K (sinh năm 2008) tiếp tục thi vào lớp 10.
Ở trong xe một lúc, trong không gian chật hẹp và bí bách, cháu bé nhất là con út đòi ra ngoài và được mẹ bế lên phòng trên tầng 2 để ngủ.
"Đến khoảng 3h sáng ngày 2/6, khi cả khu phố được cấp điện lại, chị L. đã xuống gara gọi chồng và 2 cô con gái lên nhà ngủ thì phát hiện ra sự việc đau lòng trên", ông Q. buồn bã nói.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, khoảng 3h sáng 2/6, khi xuống gara để gọi chồng con dậy lên nhà ngủ, chị L. đã phát hiện cả 3 bố con đang mê man, bất tỉnh.
Chị L. vội chạy ra ngoài hô hoán để mọi người đưa chồng con đi cấp cứu tại Bệnh viện quận Kiến An. Đến khoảng 7h cùng ngày, cháu P.M.H. đã tử vong. Anh T. và em K. được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị tiếp.
Cả 3 bố con được xác định bị ngộ độc khí CO do xe ô tô nổ máy trong không gian chật hẹp của gara nên không thoát được khí.
Hai chiếc xe cũ nổ máy trong nhà kín
Hai chiếc xe tập lái được anh T. sử dụng để cả gia đình chống nóng vào đêm 2/6
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, ngôi nhà gia đình chị L. đang sinh sống thuộc dạng nhà ống, nằm ngay mặt đường khu thị trấn Trường Sơn.
Phòng khách cũng là gara để xe của gia đình rộng hơn 30m2 và cửa chính được gia cố chắc chắn với 3 lớp cửa. Do đó, khi đóng kín cửa nhà, không khí lưu thông trong gian phòng này rất ít.
Do anh T. là giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nên thường lái xe của trường về nhà.
Trước thời điểm xảy ra vụ việc trên, tại gara nhà anh T. có 2 xe tập lái mang BKS 15A-359.9x và 15A-459.8x. Vào đêm hôm đó, do mất điện nên cả gia đình đã xuống xe và nổ máy xe, bật điều hòa lên để ngủ.
Trong không gian chật chội, hai xe ô tô đã cũ nên lượng khí thải trong phòng càng đậm đặc nên đã dẫn tới tình trạng nạn nhân bị ngộ độc khí càng cao.
BS. Đào Vũ Hà, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng) cho biết, khoảng 3h30 ngày 2/6, Bệnh viện Kiến An tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngạt khí. Trong đó, nữ bệnh nhân P.M.H (sinh năm 2003) đã ngừng tim. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu gần 4 tiếng đồng hồ nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Bệnh nhân P.V.T (sinh năm 1974) và con P.N.K (sinh năm 2008) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch, sau khi được cấp cứu, bệnh nhân tỉnh dần nhưng vẫn phải thở máy. Các bác sĩ đã làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị tiếp.
Theo BS. Đào Vũ Hà, trong trường hợp này, bệnh nhân nằm trong ô tô, bật điều hòa nhưng ô tô lại trong nhà kín, nên dẫn tới ngộ độc khí CO.
Theo phân tích của BS. Nguyễn Văn Vinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên, trong không gian ô tô nhỏ, lượng oxy sẽ giảm dần trong quá trình bật điều hòa liên tục và đóng kín cửa.
Với hai chiếc xe trên hoạt động liên tục nhiều giờ trong một phòng kín như trên, lượng không khí cả trong xe và trong phòng đã hoàn toàn bị phủ đậm đặc bởi lượng CO (carbon monoxide).
"Khí CO kết hợp với hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể nên dễ rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh và thậm chí tử vong", BS. Vinh phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận