Ngày 5/10, UBND huyện Bình Sơn cho biết, vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị nội dung có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đất Dông Cây Dừa, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn.
Theo đó, để đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh hậu quả pháp lý nếu tiếp diễn khai thác, cơ quan này kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi và Sở TNMT xem xét tạm thời đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Lý Tuấn theo Giấy phép số 69/GP-UBND ngày 7/11/2018 tại mỏ đất Dông Cây Dừa, xã Bình Nguyên.
Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Lý Tuấn khai thác khoáng sản vượt tổng trữ lượng được cấp phép.
Lý do là mỏ đất không cung ứng cho các công trình nằm trong phụ lục thuộc Giấy phép khai thác khoáng sản. Hồ sơ môi trường không phù hợp với công suất thực tế khai thác mỏ. Tổng trữ lượng mỏ theo sổ sách vượt tổng trữ lượng được cấp phép.
Cũng theo UBND huyện Bình Sơn, thông báo kết luận của Đoàn Kiểm toán nhà nước khu vực III cho thấy, sản lượng tài nguyên khoáng sản Công ty TNHH Lý Tuấn đã khai thác năm 2019 là hơn 149.000 m3, vượt công suất 65,6%; năm 2020 là hơn 298.000 m3, vượt công suất thiết kế 231%; năm 2021 là hơn 117.800 m3, vượt công suất được cấp phép 30%.
Theo Giấy phép số 69/GP-UBND ngày 7/11/2018, mỏ đất Dông Cây Dừa được khai thác với trữ lượng khoáng sản 493.415 m3, công suất 90.000 m3/năm.
Như vậy, 3 năm liền Công ty TNHH Lý Tuấn đều khai thác vượt công suất cấp phép, vi phạm thiết kế khai thác mỏ nhưng chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Tổng sản lượng đất nguyên khai thể hiện trên chứng từ, chưa kể năm 2022 đã là hơn 564.884 m3, vượt tổng trữ lượng được cấp phép.
Ngoài ra, mỏ đất này được cấp phép để phục vụ các công trình đường gom, vòng xoay thuộc gói thầu A3 - Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trì Bình - cảng Dung Quất, kho chứa hàng hóa và giới thiệu sản phẩm thôn Mỹ Long, xã Bình Long, Khu dân cư xã Bình Thạnh.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Lý Tuấn lại không cung cấp cho các dự án nêu trên, ngoài phạm vi được cấp giấy phép khai thác.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường, với công suất nêu trên là đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.
Như vậy, Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Bình Sơn cấp Giấy xác nhận là không còn phù hợp với công suất đã khai thác và pháp luật bảo vệ môi trường hiện nay.
Trước đó, như Báo Giao thông đã thông tin, trong quá trình tác nghiệp tại mỏ đất Dông Cây Dừa để ghi nhận về hoạt động của mỏ đất này, nhóm 3 phóng viên đang công tác tại 3 cơ quan báo chí TW thường trú tại Quảng Ngãi đã bị người của chủ mỏ đất là Công ty Lý Tuấn dùng 2 xe tải cản đường không cho lưu thông, sau đó đổ đất chặn lối đi và “giam lỏng” trong nhiều giờ liền.
Lo sợ bị ảnh hưởng đến tính mạng, nhóm phóng viên đã điện thoại cầu cứu nhiều nơi và sau nhiều giờ bị “giam lỏng” các phóng viên đã được Công an xã Bình Khương “hộ tống” mới rời được khỏi khu vực mỏ đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận