Xã hội

Vụ 4 người tử vong ở Phú Thọ: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

21/07/2022, 11:21

Liên quan đến vụ việc 4 công nhân tử vong tại Phú Thọ, luật sư Đăng Ngọc Duệ cho biết có nhiều trường hợp pháp lý có thể xảy ra.

Trước đó, ngày 18/7, Công ty TNHH Daesang Việt Nam (phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thuê một đơn vị môi trường độc lập ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh.

Trong quá trình vệ sinh, 2 công nhân của công ty môi trường này bị ngạt khí và đã hô hoán. Nghe thấy tiếng kêu cứu, 3 công nhân thuộc bộ phận lò hơi đang làm việc gần đó đã đến và nhảy xuống ứng cứu, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi. Hậu quả 3 người đã tử vong tại chỗ, một người tử vong tại bệnh viện.

Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân sự cố và trách nhiệm của các bên liên quan. Dư luận đặt câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra và phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đăng Ngọc Duệ - Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn THD cho biết: "Hiện tại, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh. Do vậy, chưa thể kết luận các trách nhiệm cụ thể là gì và thuộc về ai.

img

Luật sư Đăng Ngọc Duệ - Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn THD

Ngoài những thông tin hiện có, còn nhiều thông tin khác cần phải xác minh làm căn cứ xử lý như giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty môi trường (có được thực hiện các công việc đó không) và công ty TNHH Daesang Việt Nam, hợp đồng thuê giữa hai bên, quy trình lao động, đồ bảo hộ cung cấp cho người lao động có đầy đủ hay không?"

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đánh giá về vụ việc, luật sư Duệ cho biết, phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm ở các đơn vị liên quan trong vụ việc hay không, mà sẽ dẫn tới trách nhiệm hình sự khác nhau.

img

Công ty TNHH Daesang Việt Nam

Cụ thể, đối với công ty TNHH Daesang Việt Nam, trường hợp cơ quan chức năng xác định có hành vi chôn lấp chất thải trái quy định của pháp luật thì tuỳ theo loại, khối lượng chất thải, có thể xử lý theo tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Với công ty môi trường, trường hợp cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, là nguyên nhân dẫn tới hậu quả chết người thì có thể xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Khoản 3, mức phạt từ 6-12 năm tù).

Trách nhiệm bồi thường sẽ ra sao

"Ngoài trách nhiệm hình sự có thể phải gánh chịu như trên, công ty TNHH Daesang Việt Nam và công ty môi trường còn phải chịu trách nhiệm bồi thường, thực hiện các chế độ cho người lao động", luật sư Duệ cho biết.

Theo đó, về chế độ bồi thường, hai công nhân của Công ty môi trường đang thực hiện công việc trong thời gian làm việc theo hợp đồng của công ty với đối tác; hai công nhân của công ty TNHH Daesang Việt Nam đến ứng cứu hai công nhân môi trường là trong tình thế cấp thiết, yêu cầu của công việc cũng như đang trong thời gian làm việc, do đó công ty môi trường và công ty TNHH Daesang Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của luật An toàn vệ sinh lao động.

img

Công ty TNHH Daesang Việt Nam

Quy định về bồi thường cụ thể tại: Điểm b, khoản 4, điều 38, luật ATVSLĐ 2015 “Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp”. Mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương.

Về chế độ BHXH chi trả, thì theo Điều 53 (Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015), trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Về trường hợp công nhân còn sống sót, luật sư Duệ cho biết công nhân này sẽ được áp dụng theo nội dung: Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, theo quy định, công nhân này được bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5 % đến 10% khả năng lao động, sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

"Các chi phí y tế, điều trị, hồi phục, tiền lương tạm thời nghỉ việc do tai nạn lao động đều do người sử dụng lao động chi trả", luật sư Duệ thông tin.

Trong trường hợp lỗi do người bị nạn, luật sư Duệ phân tích: "Trường hợp do lỗi của người lao động dẫn đến tai nạn, người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.