Xã hội

Vụ 64 trụ điện cao thế: Công ty Đạt Phương Sơn Trà nhận chuyển nhượng đất không chính chủ

17/10/2024, 10:50

Quá trình thỏa thuận với người dân để chuyển nhượng quyền sử dụng đất thi công đường dây 110kV và chôn 64 trụ điện cao thế, Công ty Đạt Phương Sơn Trà "mua" cả đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chuyển nhượng cả đất chưa được cấp sổ đỏ

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thi công dự án đường dây 110kV, Công ty CP Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà (Công ty Đạt Phương) đã thương thảo với người dân là các chủ đất có đất nằm trong quy hoạch hướng tuyến đường dây để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vụ 64 trụ điện cao thế: Công ty Đạt Phương Sơn Trà nhận chuyển nhượng đất không chính chủ- Ảnh 1.

Ngoài thi công trên đất chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Công ty Đạt Phương Sơn Trà còn chuyển nhượng cả đất của người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đó, trên địa bàn huyện Sơn Tây, số trụ điện cao thế được chôn là 10 trụ và huyện Sơn Hà là 54 trụ.

Tại huyện Sơn Hà, hướng tuyến đường dây 110kV đi qua địa bàn 6 xã gồm: Sơn Kỳ, Sơn Thượng, Sơn Hải, Sơn Thuỷ, Sơn Trung và thị trấn Di Lăng với diện tích đất quy hoạch hơn 298.000m2.

Trong đó, đất hành lang tuyến đường dây gần 285.000m2 và đất chôn trụ cao thế gần 14.000m2 với tổng cộng 81 thửa đất/74 hộ.

Tuy nhiên, trong số 81 thửa đất của 74 hộ dân mà công ty Đạt Phương nhận chuyển nhượng từ người dân, theo chính quyền huyện Sơn Hà, có những thửa đất đến thời điểm nhận chuyển nhượng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo của UBND huyện Sơn Hà trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án thủy điện Sơn Trà cho thấy: Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn vào các năm 2016-2017 để chôn hàng trụ điện cao thế, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND các xã có đường dây đi qua xác nhận.

Song, việc Công ty Đạt Phương Sơn Trà thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có một số trường hợp thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đảm bảo quy định của pháp luật về Luật Đất đai.

Đồng thời, trong quyết định chủ trương đầu tư và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án do UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp, thì không có 5/6 xã của huyện Sơn Hà mà đường dây và hệ thống trụ đi qua gồm: Sơn Thượng, Sơn Hải, Sơn Thuỷ, Sơn Trung và thị trấn Di Lăng.

Vụ 64 trụ điện cao thế: Công ty Đạt Phương Sơn Trà nhận chuyển nhượng đất không chính chủ- Ảnh 2.

Chính quyền huyện Sơn Hà cho rằng 5/6 xã thị trấn đường dây 110kV đi qua không có trong chủ trương đầu tư dự án nên không có cơ sở để hoàn tất thủ tục về đất đai cho doanh nghiệp.

Do đó, chính quyền huyện Sơn Hà cho rằng, chủ đầu tư đề nghị huyện thẩm định bản đồ, thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất là chưa có cơ sở để thực hiện.

Từ đó, huyện không có cơ sở trình Sở TN&MT thẩm định bản đồ để làm cơ sở thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất theo quy định của pháp luật vì chủ trương thực hiện dự án không có 5/6 xã, thị trấn của huyện.

Sở TN&MT Quảng Ngãi: Công ty Đạt Phương có sai phạm

Theo tìm hiểu của phóng viên, để mở đường cho việc chuyển nhượng đất và chôn 64 trụ điện trên đất khi chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Công ty Đạt Phương Sơn Trà viện vào nhiều thông báo, văn bản do UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành.

Cụ thể, thông báo 237 năm 2015 và công văn 5537 năm 2016, về việc thi công xây dựng tuyến đường dây 110kV đấu nối nhà máy thủy điện Sơn Trà 1 vào hệ thống điện quốc gia tại trạm biến áp 220kV (thị trấn Di Lăng, Sơn Hà).

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép chủ đầu tư thực hiện việc thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân có diện tích đất trong vùng dự án.

Đồng thời, yêu cầu Công ty Đạt Phương Sơn Trà có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục theo quy định trong đó có việc chi trả tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ dân để được nhà nước cho thuê đất.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng cho phép nhà đầu tư được chôn hệ thống trụ điện cao thế song song với việc bồi thường, GPMB.

Trong giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Quảng Ngãi cấp năm 2017 để thi công đường dây 110kV, sở này yêu cầu Công ty Đạt Phương Sơn Trà phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng.

Vụ 64 trụ điện cao thế: Công ty Đạt Phương Sơn Trà nhận chuyển nhượng đất không chính chủ- Ảnh 3.

Tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện cho Công ty Đạt Phương Sơn Trà triển khai dự án song song với hoàn thành thủ tục đất đai, nhưng đến nay hàng trăm nghìn m2 đất hệ thống đường dây và trụ điện cao thế vẫn chưa được giao đất.

Dù vậy, đã 7 năm trôi qua từ khi cụm nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C  hoàn thành, đến nay các thủ tục về đất đai vẫn nằm trên giấy. 

Chủ đầu tư vẫn chưa có động thái rõ ràng trong việc đẩy nhanh việc hợp thức hoá thủ tục đất đai để UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Toàn bộ quỹ đất hàng trăm nghìn m2 nằm trong hướng tuyến đường dây 110kV và 64 trụ điện cao thế dài hàng chục km trải qua địa bàn hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây vẫn trong tình trạng "xây lụi" trên đất chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở TN&MT Quảng Ngãi cho rằng, thông báo 237 của UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư bồi thường đất của người dân theo hình thức thỏa thuận, nhưng cuối cùng là nhà nước phải có thủ tục thu hồi đất rồi mới triển khai việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho nhà đầu tư.

"Đến nay nhà đầu tư đã chôn hàng chục trụ điện, hòa lưới điện quốc gia nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, chưa được tỉnh Quảng Ngãi giao đất, cho thuê đất là sai.

Tất cả phải theo quy trình, quy định của Luật Đất đai là Nhà nước thu hồi đất mà doanh nghiệp đã bồi thường, tiến tới ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và dự án này cũng không ngoại lệ.

Không có chuyện tỉnh cho chủ trương để doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường về đất rồi lập luận là Nhà nước đã giao đất", lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với ông Phan Ngọc Long, Phó giám đốc Công ty CP Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà qua điện thoại, song không có người nghe máy.

Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, hơn 7 năm qua, đường dây điện 110kV và 64 trụ điện cao thế từ tổ hợp 3 nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C do Công ty CP Thủy điện trụ Phương Sơn Trà xây dựng tại Quảng Ngãi, song chính quyền không nắm được khi toàn bộ đường dây và trụ điện đều xây dựng trên đất chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

64 trụ điện cao thế mọc trái phép đã 7 năm nhưng địa phương 'chưa nắm rõ'64 trụ điện cao thế mọc trái phép đã 7 năm nhưng địa phương "chưa nắm rõ"

Hơn 7 năm qua, ở Quảng Ngãi, hàng chục trụ điện cao thế kéo đường dây 110kV băng qua rừng, truyền tải hàng triệu kW điện hòa vào lưới điện quốc gia song toàn bộ số trụ trên đều... "nhiều không".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.