Ngày 23/12, các luật sư tiếp tục xét hỏi tại phiên toà xét xử vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan.
Theo cáo buộc, Công ty Thành An Hà Nội do ông Nguyễn Đăng Thuyết làm giám đốc có đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có buôn bán trang thiết bị, dụng cụ y tế.
Bị cáo Ngô Thế Vinh (trái) và Nguyễn Đăng Thuyết
Công ty này sau đó đứng tên thay AIC tham dự các gói thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Việc ký các hồ sơ dự thầu do ông Thuyết ký
Ngoài ra, công ty này còn bị cáo buộc làm "quân xanh, quân đỏ" cho các gói thầu khác của AIC. Sau khi AIC trúng thầu, Công ty Thành An Hà Nội ký hợp đồng mua thiết bị y tế của hai công ty con của AIC và bán lại cho AIC, thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết đã công bố bức thư của thân chủ mình gửi cho HĐXX.
Trong bức thư, bị cáo Thuyết trình bày 3 nội dung. Cụ thể, bị cáo nói nhận thông tin phiên tòa quá gấp, không thể về Việt Nam dù rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày. Bên cạnh đó, bị cáo này đồng ý để luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho mình.
Về cáo buộc bỏ trốn, bị cáo Thuyết khẳng định: “không biết có vụ án này khi xuất cảnh ra nước ngoài vào tháng 4/2021”.
Theo trình bày, Cục Cảnh sát xuất nhập cảnh Bộ Công an đã đồng ý cho người này xuất cảnh và khi đó, vụ án AIC chưa hình thành, chưa được khởi tố. Bị cáo ở Mỹ từ đó đến nay vì có 2 con nhỏ đang học mà theo pháp luật Mỹ, cả hai phải có người giám hộ. Bị cáo Thuyết cho biết thêm rằng, đã ly hôn và giữ quyền giám hộ.
Bị cáo Thuyết cũng trình bày tiến độ xử lý vụ án quá nhanh, bất khả kháng để thu xếp cho gia đình và công việc để về tham gia phiên tòa.
"Tôi mong toà xem xét thấu đáo, khách quan để tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tôi cũng đã gửi về cho Công ty Thành An 2 tỷ đồng để khắc phục toàn bộ thiệt hại đã gây ra", ông Thuyết viết trong đơn.
Cùng như ông Thuyết, bị cáo Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên cũng thông qua gia đình để trình bày việc không bỏ trốn.
Bị cáo Vinh nhờ mẹ gửi đơn về toà, giải thích "đang điều trị bệnh tại Mỹ theo chỉ định của bác sĩ và phải chăm sóc con bị tự kỷ". Ông sẽ thông qua luật sư để hợp tác với toà.
Theo cáo trạng, Ngô Thế Vinh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm "quân xanh" giúp Công ty AIC trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại số tiền gần 75 tỷ đồng.
Cũng trong phần trình bày sáng 23/12, luật sư của 1 bị cáo bỏ trốn khác là Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa) đã thông báo về việc thân chủ của họ đã gửi đơn và tâm thư đến tòa bày tỏ mong muốn được xét xử công tâm, khách quan và nguyện vọng hợp tác cùng các cơ quan tố tụng, xin chấp nhận phán quyết của tòa.
Cơ quan tố tụng xác định: Đỗ Mỹ Hạnh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá. Sau đó, Công ty AIC và các công ty "quân đỏ" trúng 13 gói thầu theo mức giá của các báo giá trên, gây thiệt hại số tiền hơn 128 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận