Ngày 15/4, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 8 bị can là lãnh đạo, cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang (sau đây gọi tắt là Quỹ tín dụng) trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức ngân hàng xảy ra tại Quỹ tín dụng và Công ty TNHH De Heus.
Vay tiền giùm chủ tịch HĐQT
Theo kết luận, năm 2011, Lê Hữu Tâm (cựu Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng) lợi dụng chức vụ đã chỉ đạo Ban điều hành Quỹ tín dụng chỉ đạo các bộ phận tín dụng, kế toán kho quỹ thực hiện 28 hợp đồng vay tiền tại Quỹ tín dụng. Số tiền hơn 54,5 tỷ đồng có được, bị can Tâm sử dụng vào mục đích cá nhân, không có khả năng thanh toán.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của Tâm, Nguyễn Thiện Hồng (cựu Giám đốc Quỹ tín dụng) và Trương Thị Thanh Loan (cựu Phó giám đốc Quỹ tín dụng) ký hợp thức hóa hồ sơ. Đồng thời, họ chỉ đạo các bộ phận thực hiện 28 hợp đồng vay tiền giúp cho Tâm. Thực tế, tất cả 28 hợp đồng này, người vay không trực tiếp đến Quỹ tín dụng để làm hồ sơ đề nghị vay vốn. Thậm chí một số hồ sơ được thành viên HĐQT Quỹ tín dụng đứng tên vay tiền giúp bị can Tâm.
Quá trình điều tra, công an xác định, góp sức cho Tâm trong quá trình hợp thức hóa 28 hồ sơ vay vốn còn có các bị can Quách Vũ Linh (cựu thành viên HĐQT); Nguyễn Văn Thắng (cựu thành viên HĐQT); Trần Thanh Phương; Dương Cẩm Nguyên (cựu thành viên Ban tín dụng); Trần Ngọc Diễm Tiên (cựu cán bộ tín dụng); Đặng Châu Toàn (cựu kế toán trưởng); Hoàng Thị Lệ (cựu thủ quỹ).
Lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng
Cũng theo kết luận của cơ quan an ninh điều tra, năm 2012, khi Quỹ tín dụng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, Bùi Chí Linh (cựu Phó giám đốc Quỹ tín dụng) đã đề xuất với bị can Tâm để sổ tiết kiệm của khách hàng ngoài sổ sách nhằm chiếm đoạt. Tiền này nhằm chi trả các khoản lãi chênh lệch và chi xài cá nhân.
Được sự thống nhất của bị can Tâm, bằng hành vi gian dối, Linh đã chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng của năm khách hàng gửi tiết kiệm tại Quỹ tín dụng.
Cũng vào năm 2012, dù biết rõ Quỹ tín dụng không có chức năng bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nhưng Tâm vẫn chỉ đạo cho Hồng ký chứng thư bảo lãnh cho Công ty Tùng Bách do bị can làm Chủ tịch HĐQT. Theo đó, công ty thực hiện hợp đồng mua bán thức ăn nuôi với Công ty TNHH De Heus, chiếm đoạt số tiền hơn 18,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Linh còn cấu kết với Phan Văn Tập (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang) dung thủ đoạn gian dối thông qua việc giao kết hợp đồng mua thức ăn trả chậm bằng chứng thư bảo lãnh của Quỹ tín dụng, chiếm đoạt của Công ty TNHH De Heus số tiền hơn 4,8 tỷ đồng.
Từ đó, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang kiến nghị VKSND cùng cấp khởi tố bị can Tâm về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Khởi tố bị can Loan, Quách Vũ Linh, Thắng, Nguyên, Tiên, Toàn, Lệ cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; bị can Tập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với Nguyễn Thiện Hồng, Bùi Chí Linh đã chết nên cơ quan tố tụng đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với các bị can.
Như vậy, tính tới thời điểm này, liên quan đến vụ án, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố thêm sáu bị can là cán bộ của Quỹ tín dụng.
Trước đó, tháng 4/2021, vụ án đã được TAND tỉnh Hậu Giang xét xử sơ thẩm. Đây là lần thứ hai vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Hữu Tâm 17 năm tù; Nguyễn Thiện Hồng 12 năm tù; Trương Thị Thanh Loan 8 năm tù; Phan Văn Tập 14 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến tháng 2/2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm lưu động vụ án tại thành phố Cần Thơ và đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang điều tra.
HĐXX nhận định, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử các bị cáo Tâm, Hồng, Loan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của tội danh này, không đúng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận