Có thuộc nhóm "tứ ệ" khi bổ nhiệm?
Vừa qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng bị đề nghị kỷ luật vì sử dụng bằng giả để tiến thân.
Ông Thắng sinh năm 1983, có trình độ đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng; Đại học chuyên ngành luật; Thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành quản trị kinh doanh; Thạc sĩ luật, chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; Tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị; Cao cấp lý luận chính trị.
Ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh ủy Bắc Ninh, dù tuổi đời còn khá trẻ. 32 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du. 36 tuổi, ông Thắng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh và sau đó là vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Theo kết luận tại hội nghị ngày 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, ông Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã dùng bằng thạc sĩ giả, sau đó dùng bằng tiến sĩ thi nâng ngạch.
Bình luận về nội dung này PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không phủ nhận chủ trương của Đảng là khuyến khích người trẻ phát triển là rất tốt, nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn đưa họ lên chỉ có lợi cho đất nước.
Tuy nhiên, trẻ hóa cán bộ không đồng nghĩa với việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách tùy tiện, cảm tính, hoặc vì "bố mẹ làm cao".
"Chúng ta phải dựa vào nguyên tắc của Đảng, trẻ hóa là tìm kiếm những người có tài, có đức thực sự. Chính vì thế những cán bộ sử dụng bằng cấp giả, khai man lý lịch để "chui sâu, leo cao" thì cần phải loại bỏ", ông Lý nêu quan điểm.
PGS.TS Lê Quốc Lý cũng cho rằng, chúng ta cũng cần phải khách quan nhìn nhận về việc bổ nhiệm cán bộ là "con cháu các cụ" - "5C". Nếu là con em của lãnh đạo có phẩm chất, năng lực, đạo đức tốt thì chúng ta bổ nhiệm, đề bạt bình thường. Bởi đó là người tài thực sự, những cán bộ đó sẽ làm lợi cho nhân dân.
Ngược lại, nếu không có năng lực, lười lao động, sáng tạo mà chỉ vì là "con cháu các cụ" mà được bổ nhiệm, đề bạt thì quả thật là nguy hiểm. Điều này dẫn đến người tài không được trọng dụng, kẻ không tốt lại "chui sâu, leo cao", từ đó sẽ cản trở sự phát triển của nơi bổ nhiệm cán bộ dạng này.
Cũng quan điểm này, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng, nếu con em của lãnh đạo có tư chất tốt, có đạo đức tốt thì việc được đề bạt, bổ nhiệm sẽ được dư luận, nhân dân ủng hộ.
"Nhưng nếu không phát triển khách quan, ỷ thế vào gia đình, quan hệ, để tiến thân nhanh chóng thì xã hội cực kỳ lên án" , ông Vân nhận định.
Nói về trường hợp cụ thể, đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi về con đường thăng tiến của vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh có dấu hiệu của "tứ ệ" không? Đó là "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ".
"Trường hợp này đã xác định có biểu hiện sử dụng bằng giả. Như vậy anh có thuộc vào nhóm "tứ ệ" khi bổ nhiệm không?", ông Vân đặt câu hỏi.
Cần cá nhân hóa trách nhiệm người đề bạt, tiến cử cán bộ không đủ phẩm chất
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, ngày xưa gian lận về bằng cấp ở trường thi, trong xét tuyển quan lại là một trọng tội, phạm tội khi quân, lừa dối triều đình.
"Con người liêm sỉ lớn nhất là sự trung thực, trong trung thực thì trung thực học vấn, bằng cấp, sự liêm chính trong con đường quan trường đặc biệt phải coi trọng", ông Vân nói và cho rằng, hành vi dùng bằng giả để tiến thân là lừa dối Đảng, lừa dối dân về năng lực thật của mình.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, để lọt lưới trường hợp dùng bằng giả để tiến thân thì trách nhiệm thuộc về người tiến cử, đề cử nhân sự. Sau đó gắn với trách nhiệm cá nhân, tập thể thông qua phương án nhân sự đó.
"Phải xử lý trách nhiệm nhóm tiến cử, nhóm thông qua phương án nhân sự. Nhóm thông qua phương án nhân sự thì phải tách bạch trách nhiệm tập thể và cá nhân. Nếu cứ kỷ luật tập thể, không có trách nhiệm cá nhân thì có thể vẫn tái diễn vi phạm", ông Vân nói.
Ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm, nếu tội phạm tham nhũng kinh tế gây ra hậu quả về tiền bạc chúng ta có thể khắc phục được, nhưng tội phạm lộng hành trong quyền lực, bố trí người không đủ tiêu chuẩn, dùng bằng cấp giả, gian dối vào bộ máy nắm giữ quyền lực thì hậu quả khôn lường.
"Loại tội phạm đó lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham nhũng quyền lực, cần phải trừng trị hết sức nghiêm khắc, có như vậy thì mới ngăn chặn được những kẻ không đủ năng lực vào bộ máy, có ý đồ "chui sâu, leo cao", ông Vân nói.
Cùng quan điểm, PGS TS Lê Quốc cho rằng, để lọt lưới những cán bộ sai phạm, khuyết điểm, sử dụng giả bằng cấp có trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đề bạt vị cán bộ này.
"Với chức vụ là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy càng phải trong sạch, trung thực, ấy vậy mà vị này đã "lừa trên dối dưới" sử dụng bằng cấp giả thì không thể chấp nhận được.
Cần phải xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức đề bạt, bổ nhiệm trường hợp này, vì sao không kiểm tra bằng cấp kỹ lưỡng để lọt lưới cán bộ sử dụng bằng cấp giả", ông Lý nói và đặt câu hỏi: "Lúc đề bạt có đúng là dựa vào tài năng, hay bổ nhiệm là vì ông bố, bà mẹ của cán bộ?".
Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những lãnh đạo có con em thuộc diện "hạt giống đỏ" hãy nhớ tới quy định làm gương, trách nhiệm người đứng đầu để cân nhắc có nên lợi dụng sự nể nang, lấy lòng của cấp dưới mà đẩy con mình lên nhanh một cách bất thường hay không.
"Cùng với đó, nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, sòng phẳng năng lực, phẩm chất của con em mình bởi không nhất thiết cứ phải trở thành ông nọ, bà kia mới là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Quan trọng là họ làm được gì cho quê hương, đất nước", ông Lý nói.
Clip: đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói về bổ nhiệm cán bộ là "con cháu các cụ"
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận