Hỏi - Đáp

Vụ đâm chết người ở Hoàng Hoa Thám: Xử lý ra sao nếu nghi phạm bị tâm thần?

28/11/2022, 06:00

Luật sư cho rằng, cần giám định năng lực hành vi của đối tượng giết người phụ nữ bán trà đá ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Giết người" và tạm giữ hình sự Hoàng Ngọc Chiến (SN 1985; trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) để điều tra hành vi giết người.

Trước đó, trưa 25/11/2022, bà H. (SN 1971; trú tại Thụy Khuê, Tây Hồ) đang bán trà đá trước cửa nhà ở đường Hoàng Hoa Thám thì bị Chiến dùng dao đâm tử vong. Sau khi gây án, Chiến bỏ trốn về huyện Đan Phượng (Hà Nội) và bị công an bắt giữ lúc 16h cùng ngày.

img

Đối tượng Hoàng Ngọc Chiến

Tại cơ quan công an, Chiến khai nhận, trước đây từng sống cùng gia đình ở ngõ 29 phố Thụy Khuê. Năm 2017, Chiến nghi ngờ bà H.T.H chỉ đạo một người cháu đập cửa kính nhà mình nên Chiến bực tức lên kế hoạch giết bà này để trả thù.

Thông tin từ gia đình nghi phạm cho hay, Chiến có tiền sử bệnh tâm thần và từng phải điều trị tại bệnh viện.

img

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra sẽ thu thập hồ sơ bệnh án của đối tượng và có thể trưng cầu giám định để xác định năng lực hành vi của đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội.

"Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh tâm thần hoặc mất khả năng nhận thức mà thực hiện hành vi giết người sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xem xét giảm nhẹ khi lượng hình", luật sư Cường phân tích.

Nếu kết quả giám định cho thấy nghi phạm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì các cơ quan chức năng (Viện Kiểm sát hoặc Tòa án) căn cứ vào kết quả này sẽ đưa nghi phạm vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Trường hợp đối tượng không bị mất năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Nếu bị xử lý về tội giết người và nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn nhỏ nhặt từ 5 năm trước, đối tượng gây án có thể bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là vì động cơ đê hèn.

"Do đó, khung hình phạt có thể đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Ngoài ra, có một số cá nhân dù mắc bệnh tâm thần và đang điều trị bệnh nhưng tại thời điểm phạm tội họ hoàn toàn bình thường thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Với trường hợp này, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi, thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình nhưng có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra" theo Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.