3 sổ tiết kiệm bà Chu Thị Bình vẫn giữ nhưng tiền đã không cánh mà bay |
Mâu thuẫn trong sao kê rút tiền và thông báo của Eximbank
Chiều 6/3, bà Chu Thị Bình, khách hàng gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn trong việc sao kê rút tiền và thông báo của Eximbank.
Cụ thể, theo bà Bình, 3 sổ tiết kiệm bà đang giữ với tổng số tiền lên tới 300 tỷ đồng đều có kỳ hạn gửi m từ 12-15 tháng. Bà không ghi nhận bất kỳ giao dịch rút tiền nào nhưng Eximbank HCM đã thông báo hầu hết số tiền trên các thẻ tiết kiệm đã bị rút trước hạn gần hết.
Quá bất ngờ, bà Bình đã thông báo, yêu cầu và làm việc nhiều lần với Eximbank HCM, Ban lãnh đạo Eximbank vào các ngày 28/2/2017, 2/3/2017, 8/3/2017, 10/3/2017 và các ngày sau đó để làm rõ việc này. Cụ thể tháng 3/2017 bà Bình yêu cầu Eximbank cung cấp các chứng từ rút tiền, sao kê xác nhận số dư còn lại trong các thẻ tiết kiệm của bà gửi tại Eximbank HCM.
Tại các cuộc gặp này, Ban lãnh đạo Eximbank luôn khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi của bà là người gửi tiền và đề nghị bà đợi kết quả làm việc của Cơ quan điều tra C44 – Bộ Công An vì Eximbank đã có Đơn tố cáo vụ việc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tiền và bỏ trốn gửi cơ quan này từ đầu tháng 3/2017.
Tuy nhiên các sao kê và chứng từ rút tiền mà Eximbank HCM cung cấp cho bà vào tháng 3/2017, tổng số tiền bị rút trái phép từ ba Thẻ tiết kiệm nói trên lên tới trên 245 tỷ đồng và việc rút tiền đã xảy ra chủ yếu trước năm 2016. Thông tin nói trên hoàn toàn mâu thuẫn với số dư thể hiện trên 3 giấy xác nhận sao kê trên các Thẻ tiết kiệm này mà Eximbank HCM cung cấp cho bà Bình vào tháng 1, 2 và 4/2016.
Theo bà Bình, các sao kê đều được lập trên giấy tiêu đề của Eximbank, có dấu của Eximbank, và được ông Hưng, Phó Giám đốc chi nhánh HCM là người có thẩm quyền ký, giao trực tiếp cho bà. Do đó, việc Eximbank phủ nhận các sao kê này buộc bà phải đặt nghi vấn?!
Tuy nhiên, với tư cách là người gửi tiền, bà vẫn tin tưởng vào các sao kê có đủ dấu, chữ ký của Eximbank.
Eximbank cố tình trì hoãn trả tiền cho khách hàng?
Từ các hồ sơ, chứng từ đã được cung cấp, bà Bình cho hay ngoài 3 sổ tiết kiệm trên, còn có rất nhiều khoản tiền khác cũng bị rút trái phép từ 12 tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bà tại Eximbank HCM. Các số tiền rút từ tài khoản của bà chủ yếu chuyển qua các tài khoản mang tên Lê, Huân, Phong. Đây là những người mà bà không hề biết và không hề có quan hệ.
Vì nghi ngờ có dấu hiệu phạm tội hình sự trong nội bộ của Eximbank liên quan đến việc này, bà Bình đã gửi Đơn tố cáo tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44).
Được biết, mới đây Bộ Công an C44 đã có Công văn số 18/C44B-P5 ngày 2/2/2018 cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và đang điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank HCM theo Quyết định khởi tố vụ án số07/C44-P5 ngày 04/12/2017, trong đó xác định Eximbank là người bị hại, bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong văn bản này, C44 cũng thông báo cho Eximbank thực hiện trách nhiệm của Ngân hàng đối với Khách hàng theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được thông báo của C44 và được biết Eximbank cũng đã được C44 thông báo kết quả điều tra vào tháng 2/2018, bà Bình đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với đại diện của Eximbank. Tuy nhiên tại các buổi làm việc trực tiếp này theo bà Bình, Ban điều hành của Eximbank đều tìm cách né tránh trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho bà. Sau đó Eximbank chỉ đưa ra những giải pháp “tạm ứng” nhỏ giọt nhằm xoa dịu bức xúc của bà là không phù hợp, không dựa trên quy định của pháp luật, trái với đạo đức kinh doanh, làm tổn hại đến chính sách huy động tiền gửi của dân vào hệ thống ngân hàng để phát triển kinh tế đất nước.
Việc này đã đẩy cái khó cho gia đình bà (là người gửi tiền hợp pháp), làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn cho bà Bình trong khi đang rất cần vốn để đầu tư, kinh doanh. Do đó, bà kiên quyết yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban điều hành Eximbank và Eximbank HCM xem xét và quyết định thanh toán ngay toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm trên 245 tỷ đồng gốc (chưa bao gồm lãi) nêu trên, không nên trì hoàn, kéo dài thời gian nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận