IAEA đã vào cuộc
Trong diễn biến mới nhất liên quan tới các cáo buộc bom bẩn của Nga tại Ukraine, ngày 27/10, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố sẽ tiến hành “xác minh độc lập” đối với những cáo buộc của Nga liên quan đến hành vi sản xuất cái gọi là bom bẩn tại 2 địa điểm ở Ukraine.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi thông báo: “Các thanh sát viên của IAEA sẽ tiến hành xác minh độc lập tại những địa điểm này”.
Theo ông Grossi, các thanh sát viên IAEA sẽ cố gắng phát hiện mọi biểu hiện chuyển đổi mục đích sử dụng vật liệu hạt nhân “dưới ngưỡng an toàn, mọi hành vi sản xuất hoặc xử lý các vật liệu hạt nhân không được công bố tại 2 địa điểm và đảm bảo sẽ không có bất cứ vật liệu hoặc hoạt động hạt nhân nào được sử dụng hoặc thực hiện khi chưa được công bố”.
Ảnh minh họa
Thời gian gần đây Moscow liên tục cáo buộc Kiev chuẩn bị sử dụng bom bẩn để tấn công các binh sĩ Nga.
Nga đã đưa vấn đề bom bẩn ra cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cáo buộc Kiev đang chuẩn bị cho nổ một quả “bom bẩn” ngay trên lãnh thổ Ukraine rồi đổ ngược cho Moscow sử dụng loại vũ khí này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 23/10, đưa ra những cáo buộc tương tự.
Ngày 26/10, người đứng đầu Bộ quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiếp tục điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nêu quan ngại của Moscow về việc Ukraine có thể sử dụng bom bẩn.
Hãng tin Sputnik từng dẫn lời ông Igor Kirillov, người đứng đầu lực lượng bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học của quân đội Nga, cho biết công việc chế tạo “bom bẩn” của Ukraine đang ở giai đoạn cuối cùng, Kiev có kế hoạch thực hiện một vụ khiêu khích và đổ lỗi cho Nga về điều này.
Theo ông Kirillov, “mục đích của hành động khiêu khích này là cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, từ đó khởi động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên thế giới nhằm làm suy giảm lòng tin về Moscow”.
Song, Ukraine và các nước phương Tây đều đã bác bỏ cáo buộc và lo ngại Nga đang lấy cáo buộc đó làm cớ thực hiện các hành động leo thang xung đột.
Vậy bom bẩn là gì?
Theo hãng tin Sputnik, bom bẩn là một thiết bị nổ thông thường có chứa chất phóng xạ, có thể là uranium, plutonium hoặc các sản phẩm phụ từ chất thải phóng xạ của những hoạt động như phát điện hạt nhân hoặc y học phóng xạ.
Theo định nghĩa của Ủy ban An toàn Nguyên tử Mỹ, bom bẩn không phải là một “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, mà là một “vũ khí gây xáo trộn hàng loạt”, chủ yếu gây nhiễm xạ và thổi bùng tâm lý hoảng loạn.
Khi một quả bom như vậy bị kích hoạt, thiệt hại không phải do sức mạnh của vụ nổ mà do chất phóng xạ bị rải ra trên một khu vực rộng lớn. Khi xảy ra vụ nổ, xung quanh nơi bom nổ sẽ diễn ra tình trạng phân tán phóng xạ và có thể phải phong toả tạm thời để xử lý làm sạch trước khi đưa người quay trở lại sống.
Trong khi đó, trên nhật báo Pháp “Le Monde”, tướng Dominique Trinquand, một chuyên gia quân sự về địa chiến lược nhận định, cho tới nay “bom bẩn” chưa bao giờ được sử dụng trên thế giới mà chỉ là một vũ khí mang tính đe dọa.
Kiev và phương Tây tố ngược Nga
AFP trích dẫn một nguồn tin quân sự phương Tây cho biết Nga đưa ra những cáo buộc này do họ đang gặp những khó khăn trên chiến trường trước những đợt phản công của lực lượng Ukraine.
Chuyên gia quân sự Trinquand cho rằng việc Nga đẩy mạnh các cáo buộc Kiev chuẩn bị sử dụng “bom bẩn” là nhằm đánh lạc hướng việc lực lượng của họ đang lặng lẽ rút khỏi miền Nam Ukraine, nhất là khỏi vùng Kherson hiện đang bị quân Ukraine phản công. Nói cách khác, Moscow muốn đánh lạc hướng thế giới khỏi những thay đổi bất lợi cho Nga trong chiến sự tại Ukraine.
Tờ CNN cũng có nhận định tương tự, rằng các lực lượng Nga đang bị đẩy lui ở khu vực miền Nam và miền Đông Ukraine. Do đó, nhiều nhà quan sát cho rằng mục đích chính của Nga đó là “đóng băng các tuyến này” và buộc Ukraine phải quay trở lại bàn đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận định, việc Nga cáo buộc là một dấu hiệu cho thấy Moscow dường như đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công như vậy và chuẩn bị đổ trách nhiệm sang Ukraine. Ukraine cũng mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến kiểm tra để khẳng định sự trong sạch.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây nghi ngờ Nga có thể cho nổ một quả bom bẩn nhằm biện minh cho hành động trả đũa bằng một vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong cuộc điện đàm hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi với người đồng cấp Nga rằng Ukraine không chuẩn bị bom bẩn và cảnh báo Nga đang tạo cớ để biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng kịch bản Nga kích nổ bom bẩn để biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật là khó xảy ra. Các cơ quan tình báo phương Tây hiện không quan sát thấy chiến lược hạt nhân của Nga thay đổi.
Đầu tuần này, ông Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh quan điểm về hạt nhân của mình, cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng tôi đã nhận thấy những tuyên bố liên quan và chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rất rõ ràng tới Moscow. "
Chia sẻ với hãng tin AFP, ông William Alberque, chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London, Anh cho rằng: “Nếu thực sự có việc sử dụng bom bẩn thì chúng ta sẽ biết ngay. Vì việc chế tạo vũ khí phóng xạ rất dễ nhận biết. Khác với việc chế tạo vũ khí hóa học, việc sử dụng vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí sẽ để lại các dấu vết rất rõ”.
Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Zhou Rong - một nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: “Hiện phía Nga đã đưa ra cảnh báo. Cảnh báo của Nga nhằm ngăn chặn Ukraine sử dụng ‘bom bẩn’.
Cảnh báo này nhắm tới mục đích chân thành là duy trì hòa bình và ổn định, và không làm leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine. Việc sử dụng bom bẩn là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Sử dụng ‘bom bẩn’ sẽ đồng nghĩa với thảm họa môi trường và nhân đạo, mở rộng quy mô chiến tranh và thay đổi bản chất chiến tranh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận