Ngày 3/5, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở Y tế Đồng Nai về vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai) khiến gần 500 người nhập viện.
Báo cáo trước đoàn công tác, bà Võ Thị Ngọc Lắm, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tính đến 9h ngày 3/5, số ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc đã lên đến 481 ca.
Trong đó, các bệnh nhân chủ yếu điều trị ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai.
Ngoài ra một số bệnh nhân điều trị ở Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa; 1 bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM (là em N.H.T.A, 13 tuổi, được chẩn đoán viêm ruột - tiêu chảy cấp có mất nước nghi do vi trùng - nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hoá).
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 12 ca đang điều trị, trong đó có 2 ca bị rất nặng.
Thứ nhất là cháu T.G.H (6 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh) bị hôn mê, thở máy và tiên lượng nặng. Các bác sĩ chẩn đoán cháu H bị sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, ngưng tim, ngưng thở, thể trạng béo phì. Hiện tại các bác sĩ đang tích cực cứu chữa cho cháu H.
Ca thứ 2 là cháu T.Đ.N.A (7 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh). A nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốc nặng. Các bác sỹ đã cấp cứu, hồi sức, đặt nội khí quản, bù dịch chống sốc, truyền kháng sinh... cho A nhưng hiện A vẫn phải thở máy, truyền thuốc vận mạch liều cao và bù dịch liên tục.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, qua điều tra cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân kéo dài từ 4 đến 8 tiếng.
Kết quả kiểm tra tiệm bánh mì B bước đầu xác định tiệm bánh bán bánh mì thịt, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước xốt... Mỗi ngày bán ra 1.000 ổ bánh mì, riêng ngày 30/4 bán ra 1.100 ổ bánh.
Bà Nguyễn Thị Khánh B, chủ tiệm bánh mì đang sử dụng giấy phép kinh doanh số 47F8015434 cấp ngày 27/9/2021 cấp cho bà Nguyễn Thị Ngọc P làm chủ hộ kinh doanh. Bà Phương là con ruột của bà B nhưng đã đi nước ngoài từ tháng 2/2023.
Tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Số lao động làm việc trực tiếp là 4 người nhưng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng TP.HCM. Đoàn cũng đã niêm phong thực phẩm và giao cơ sở tự bảo quản trong tủ đông tại cơ sở. Đồng thời phết mẫu dịch tỵ hầu của 4 người chế biến thực phẩm.
Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trước báo cáo từ địa phương, ông Nguyễn Hùng Long đề nghị Sở Y tế Đồng Nai phải có đầu mối phát ngôn chính thức về vụ ngộ độc, tránh đưa thông tin không nhất quán về vụ ngộ độc thực phẩm.
"Phải tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, bằng mọi giá phải cứu chữa cho bệnh nhân. Những trường hợp nào đã ổn định thì cho bệnh nhân xuất viện về nhà, tập trung điều trị cho những trường hợp nặng hơn", ông Long nói.
Như tin đã đưa, trước đó vào ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 73 trường hợp đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì B. Những người này chủ yếu mua bánh mì từ giai đoạn chiều tới tối, sau khi ăn thì đến nửa đêm 30/4, rạng sáng 1/5 xuất hiện đau bụng, nôn ói… nên được đưa đến nhập viện bắt đầu từ sáng 1/5.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận