Làm rõ trách trách nhiệm vụ ô tô lao xuống biển
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về nguyên nhân và biện pháp khắc phục hậu quả 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 10 và 11 tháng 7/2020, trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ninh và Kon Tum.
Cụ thể, hồi 21h ngày 10/7/2020, tại đường Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, xe ô tô BKS 30F-171.15 do anh Trần Tuấn Anh (SN 1983, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển, trên xe chở 4 người, đi đến đường cua qua nút giao Lê Thanh Nghị và Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), thì xe lao sang trái đường hướng ngược lại và lao xuống biển. Hậu quả làm 4 người tử vong do ngạt nước (2 người lớn, 2 trẻ em).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn là do tài xế Trần Tuấn Anh vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Phiếu xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, kết quả xét nghiện sinh hóa định lượng cồn (ethanol) trong máu lái xe ở mức 4,14 mg/100ml.
Mặt khác, lái xe Trần Tuấn Anh không thuộc đường, đồng thời gặp phải mưa giông, hạn chế tầm nhìn, thiếu quan sát khi vào đường cong nên đã đi sang phần đường ngược chiều và lao xuống biển. Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hạ Long khẩn trương xác minh kết luận nguyên nhân vụ tai nạn.
Tuy nhiên, Ủy ban ATGTQG cho biết, theo quan sát trực tiếp tại hiện trường vụ tai nạn giao thông và trao đổi với Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho thấy đoạn đường xảy ra TNGT là đoạn đường vừa thi công vừa khai thác, mặt đường mới, đẹp, là đường cong chạy sát bờ biển.
Dọc bờ biển phía bên phải tuyến đường đang thi công bãi tắm nhân tạo được lắp đặt hàng rào bằng tole, tuy nhiên đoạn qua vị trí tai nạn thì không có rào tole. Theo thông tin từ ban ATGT tỉnh thì đơn vị thi công mới dỡ rào tole tại đoạn tuyến này.
Quan sát hiện trường cũng cho thấy đoạn tuyến xảy ra tai nạn không có biển cảnh báo công trường, hướng dẫn giao thông, vị trí xảy ra tai nạn không có cọc tiêu, báo hiệu chỉ giới mặt đường; khiến cho người điều khiển phương tiện trong đêm tối khó nhận biết rõ ràng, khó phân biệt giữa mặt đường và môi trường xung quang (mặt biển).
Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trực tiếp thuộc về đơn vị thi công, tư vấn giám sát, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố Hạ Long, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cũng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện để đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu trong thực hiện đảm bảo ATGT trên tuyến.
Vì vậy, Ủy ban ATGTQG kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xem xét chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, tư vấn giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm ATGT trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác; việc không tổ chức cảnh giới, cảnh báo, rào chắn phần phía giáp biển; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cùng đó, xem xét trách nhiệm liên quan đối với chủ đầu tư của dự án, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long trong việc chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT tại dự án.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công trên tuyến này khẩn trương hoàn thiện và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo TTATGT hiệu quả, tổ chức hướng dẫn, cảnh báo ATGT, tái lập rào chắn phần mép đường phía giáp biển và có dán tín hiệu phản quang để giúp người lái xe dễ nhận biết vào ban đêm, phòng ngừa tai nạn.
Xem xét trách nhiệm công ty Tiến Hùng trong vụ TNGT tại Kon Tum
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Kon Tum, vào lúc 4 giờ 10 ngày 11/7/2020, tại Km số 23+900 quốc lộ 14C thuộc địa phận xã Rờ Kơi (đường đèo, dốc nguy hiểm), huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, xe ô tô BKS 36B-022.32 (loại xe giường nằm 48 chỗ) do tài xế Mai Hải Nam (SN 1981, trú tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, trên xe chở theo 40 người, khi di chuyển tới vị trí trên, đã lao xuống vực sâu hơn 30m. Hậu quả: 6 người tử vong, 35 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ TNGT do tài xế xe khách mất lái lao xuống vực.
Thông tin về phương tiện và luồng tuyến đăng kí vận tải hành khách cho hay, xe khách BKS 36B-022.32 thuộc Công ty TNHH Tiến Hùng, có hạn kiểm định đến hết ngày 19/09/2020; đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách bằng ô tô từ Thanh Hóa đi TP. Hồ Chí Minh theo hành trình: Bến Hồi Xuân - QL15 - Đường HCM (QL14) - Quốc lộ 47 -Quốc lộ 1A - Bến xe Ngã Tư Ga. Như vậy xe khách 36B-022.32 chạy trên tuyến Quốc lộ 14C là không đúng với lộ trình tuyến mà doanh nghiệp đã đăng ký và được Sở GTVT Thanh Hóa và TP.HCM chấp thuận.
Ủy ban ATGTQG cho biết, theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn trên là do đoạn đường thuộc khu vực xảy ra tai nạn đường đèo, dốc nguy hiểm, nhiều khúc cua gấp, xe khách chạy sai luồng tuyến kinh doanh vận tải, lái xe thiếu kĩ năng điều khiển phương tiện, không thông thuộc địa hình dẫn đến vụ tai nạn.
Mặc dù lái xe có khai là điều khiển xe chạy với tốc độ khoảng 35-40km/h trước khi gặp TNGT và nguyên nhân là xe bị mất phanh. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Kon Tum, hành khách trên xe cho biết lái xe điều khiển xe chạy rất nhanh, hành khách đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng lái xe không giảm tốc độ. Đặc biệt, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe cho thấy vận tốc cuối cùng của xe được ghi nhận (vào thời điểm 3:38:24) khi chạy trên đoạn tuyến QL14C qua địa bàn xã Đắk Kan (Ngọc Hồi, Kon Tum) là 65 km/h, là địa bàn liền kề với xã Rơ Kơi (Sa Thầy, Kon Tum).
Theo bản đồ địa hình khu vực, Quốc lộ 14C qua Đắk Kan (có cao độ khoảng 700m) đến địa bàn Rơ Kơi (có cao độ 450m) có độ dốc rất lớn (nhiều đoạn xuống dốc 10%) , đường đèo quanh co, kéo dài hàng chục km, đặc biệt đến vị trí xảy ra tai nạn là đường cong xuống dốc, hai bên đều là ta luy âm (vực sâu) nhưng vị trí này chỉ có cọc tiêu hướng dẫn, không có hộ lan, hay tường chắn. Vì vậy, khi lái xe mất khả năng kiểm soát hoặc xe có sự cố kỹ thuật, gặp tai nạn thì sẽ bị lao xuống vực, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo quan sát tại hiện trường và trao đổi với cán bộ địa phương thì vị trí này thường xảy ra tai nạn nghiêm trọng do phương tiện lao xuống vực.
Để khắc phục hậu quả vụ tai nạn cũng như phòng ngừa các vụ TNGT trong khu vực này, Ủy ban ATGTQG kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xem xét chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
Đặc biệt xem xét trách nhiệm của người trực tiếp điều khiển xe ô tô BKS 36B-022.32 trong vụ TNGT; trách nhiệm của công ty TNHH Tiến Hùng về việc để phương tiện hoạt động không đúng lộ trình đã đăng ký dẫn đến vụ tai nạn. Kiểm điểm trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum và các huyện có tuyến Quốc lộ 14C chạy qua trong việc để xe ô tô BKS 36B-022.32 và các phương tiện kinh doanh vận tải không đúng lộ trình trong thời gian qua.
Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có phương án khắc phục điểm đen trên đèo Ngọc Vin; rà soát, xác định và có kế hoạch khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên Quốc lộ 14C và các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đối với lái xe, chủ xe ô tô kinh doanh vận tải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đặc biệt là sai luồng tuyến vận tải.
Ủy ban ATGTQG cũng kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Công ty TNHH Tiến Hùng; xác định và xử lý trách nhiệm của công ty đối với việc vi phạm quy định về kinh doanh vận tải (để xe ô tô BKS 36B-022.32 đi sai lộ trình) gây TNGT có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT và cơ quan chức năng các tỉnh có tuyến Quốc lộ 14C đi qua, rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ, hướng dẫn lái xe an toàn… xử lý triệt để các điểm đen TNGT trên tuyến, đặc biệt là đoạn đường đèo Ngọc Vin nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông ngày 111/7/2020; lắp đặt hộ lan 3 tầng, có trợ lực đảm bảo khả năng chịu đựng va chạm mạnh và ngăn ngừa lật xe ô tô xuống vực, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp không may xảy ra tai nạn. Tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới các tuyến quốc lộ trọng điểm trong cả nước; sẵn sàng đảm bảo giao thông, xử lý khắc phục sạt lở, hư hỏng đường do mưa lũ gây ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận