Thời sự Quốc tế

Vụ sập cầu ở Ấn Độ: Nhà thầu từng hứa cầu có thể hoạt động thêm tới 15 năm

Cây cầu treo vừa bị sập khiến 141 người thiệt mạng từng được đánh giá là kỳ tích về nghệ thuật và kỹ thuật của thị trấn Morbi, bang Gujarat.

Cây cầu từng là biểu tượng về khoa học, tiến bộ của Morbi

Cầu treo này dài 233m và rộng 1,5m, bắc qua sông Machchu thuộc thị trấn Morbi, bang Gujarat, được làm bằng vật liệu nhập từ Anh, khánh thành vào năm 1879 trong thời thuộc địa Anh. Thời điểm đó, đích thân ông Richard Temple – Thống đốc Mumbai tới dự lễ khánh thành.

Lúc ấy, công trình này được đánh giá là một kỳ tích về nghệ thuật và kỹ thuật, nay trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, di sản lịch sử, biểu tượng về khoa học và tiến bộ của lãnh đạo Morbi thời xưa.

img

Khi chưa bị sập, cây cầu treo bắc qua sông Machchu thuộc thị trấn Morbi, bang Gujarat từng là di sản về khoa học, kỹ thuật của Morbi

Năm cây cầu được xây dựng, ông Waghji Thakor, người đứng đầu Morbi thời kỳ đó được truyền cảm hứng từ nền khoa học kỹ thuật của thực dân Anh và quyết định xây dựng cầu treo với những công nghệ mới nhất của châu Âu lúc ấy. Ván và dầm cầu chỉ làm bằng gỗ”.

Sau này, cầu được người dân địa phương gọi với cái tên là Julto Pool (cầu rung lắc) bị hư hỏng nặng sau 1 trận động đất năm 2001.

Gần đây, cây cầu 143 năm tuổi này phải ngừng hoạt động trong 2 năm và mới được thông cầu trở lại hôm 26/10 sau 7 tháng sửa chữa.

Chính quyền địa phương đã mở thầu để lựa chọn công ty sửa chữa và nhà thầu có tên Oreva đã giành được hợp đồng tu sửa với chi phí 20 triệu Rupee và vận hành trong 15 năm. Tính đến nay, tải trọng của cầu chỉ khoảng 125 người.

Đáng lẽ, trước khi đưa cầu vào hoạt động trở lại, Oreva phải cung cấp chi tiết về hoạt động tu sửa sau đó chính quyền nghiệm thu, cấp phép mở cửa nhưng họ không làm vậy. Chính quyền địa phương khẳng định không hề biết gì và cũng chưa cấp giấy phép liên quan cho công ty này.

Cầu được mở lại vào ngày 26/10 đúng dịp mừng năm mới theo phong tục ở Gujarati. Vé lên cầu là khoảng 17 Rupee (tương đương 5 nghìn VNĐ).

Nhà thầu từng khẳng định: Nếu không có phá hoại, cầu hoạt động được thêm 15 năm nữa

Theo hãng tin NDTV, hôm 24/10 – vài ngày trước khi xảy ra vụ sập cầu, tại buổi họp báo công bố thông cầu, nhà thầu Oreva khẳng định đã hoàn tất công tác sửa chữa, có thể cho phép cây cầu cổ hoạt động thêm ít nhất 8-10 năm nữa, người dân có thể tận hưởng những hành trình thoải mái, không lo lắng.

Thậm chí, “nếu mọi người hành động có trách nhiệm, không phá hoại tài sản thì cầu có thể hoạt động tới 15 năm” - Giám đốc quản lý Oreva nói và nhấn mạnh, toàn bộ quá trình tu sửa đã gói gọn trong 20 triệu rupee như ước tính ban đầu, không phát sinh thêm chi phí.

Cuộc họp báo này đã được các cổng thông tin địa phương ở Morbi truyền trực tiếp.

Cũng tại sự kiện này, trả lời câu hỏi từ phóng viên địa phương, Giám đốc điều hành Oreva – ông Jaysukhbhai Patel giải thích thêm về việc tính phí qua cầu.

Ông Patel cho biết cách làm này là để hạn chế số người lên cầu và kiểm soát đám đông. Với sinh viên hoặc những người đi theo nhóm lớn sẽ được giảm giá. Mỗi năm trong vòng 7 năm tới, công ty sẽ đánh giá lại phí qua cầu, có thể giảm xuống còn khoảng 1-2 rupee.

Cũng theo vị quản lý, công ty Oreva chịu trách nhiệm vận hành và bảo trì. Phần ánh sáng trên cầu sẽ được giao cho một công ty có trụ sở tại thành phố Ahmedabad đảm nhiệm và dự kiến sẽ bắt đầu lắp đèn trong thời gian ngắn sắp tới.

Nhiều vụ tai nạn do hạ tầng cũ, yếu kém

Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và kém chất lượng thường xảy ra tại Ấn Độ. Năm 2016 đã xảy ra vụ sập cầu vượt trên một tuyến phố đông đúc ở thành phố Kolkata miền Đông Ấn Độ khiến ít nhất 26 người thiệt mạng.

Năm 2011, một cây cầu gần thị trấn Darjeeling, Đông Bắc Ấn Độ bị sập khi có rất nhiều người tập trung dự lễ hội, làm ít nhất 32 người thiệt mạng.

Gần một tuần sau đó, khoảng 30 người thiệt mạng khi cầu đi bộ bắc qua sông ở bang Arunachal Pradesh bị sập.

Năm 2006, một cây cầu 150 tuổi sập xuống một tuyến tàu chở khách tại ga ở bang Bihar (miền Đông) làm ít nhất 34 người thiệt mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.