Ba ngày gần đây, đảng đối lập Ấn Độ nhiều lần lên tiếng chỉ trích hệ thống tín hiệu đường sắt là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn, đồng thời kêu gọi Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ashwini Vaishnaw từ chức.
Trong đó, đảng Trinamool Congress chỉ trích Chính phủ Ấn Độ bỏ bê việc lắp đặt các thiết bị chống va chạm trên tàu ngăn thảm họa tàu xảy ra.
Tổng thư ký đảng Trinamool Congress – ông Abhishek Banerjee cho rằng, Chính phủ Thủ tướng Ấn Độ luôn ca ngợi hết lời tàu Vande Bharat (tàu cao tốc mới chế tạo) và hạ tầng nhà ga mới để củng cố chính trị và đánh lừa dư luận nhưng thờ ơ với các biện pháp đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ (đội mũ vàng) thị sát hiện trường vụ tai nạn
“Tôi rất đồng cảm với thân nhân các nạn nhân thiệt mạng và mong những người bị thương nhanh chóng hồi phục. Nếu vẫn còn có lương tâm, Bộ trưởng Bộ Đường sắt nên từ chức. Ngay bây giờ!” – ông Abhishek Banerjee quyết liệt kêu gọi.
Ngoài ra, còn có một loạt quan chức thuộc các đảng đối lập khác cũng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo ngành đường sắt Ấn Độ ra đi.
Trong bối cảnh này, đảng cầm quyền Bharatiya Janata Party (BJP) đã có phản ứng bất ngờ đó là đưa ra một danh sách các vụ tai nạn, va chạm, trật đường ray, số người chết người dưới thời các chính quyền trước.
Theo nguồn tin từ Đảng BJP, đã có tới 54 vụ va chạm xảy ra dưới thời Bộ trưởng Bộ đường sắt Mamata Banerjee (thuộc đảng Trinamool Congress).
Số vụ trật đường ray, thiệt mạng thời kỳ này tương ứng là 839 và 1451.
Còn dưới thời ông Nitish Kumar làm Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ, đã xảy ra ít nhất 79 vụ va chạm.
Mặt khác, Đảng cầm quyền Ấn Độ cũng nhấn mạnh không giống như các Bộ trưởng thời kỳ trước, ngay khi biết tin Bộ trưởng Bộ Đường sắt đương nhiệm đã rất tích cực xuống hiện trường, thị sát, chỉ đạo trong 30 giờ, tham gia liên tục các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Về phía Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, trong một cuộc họp báo, ông cũng nhận được câu hỏi về phản ứng đối với những bình luận kêu gọi từ chức. Ông Vaishnaw đáp: "Tốt thôi nhưng đây là lúc phải tập trung hoàn toàn vào đảm bảo khôi phục hoạt động đường sắt hoàn toàn trong thời gian sớm nhất có thể".
Vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra tại bang Odisha, Ấn Độ hôm 2/6 theo giờ địa phương, gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ, khiến ít nhất 280 người thiệt mạng và 900 người khác bị thương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận