Điều tra

Vụ tàu vỏ thép 67: Bất thường khoản tiền hỗ trợ “không hoàn lại”

05/07/2017, 13:35

Hứa “hỗ trợ” 500 triệu đồng “không hoàn lại” nhưng sau đó doanh nghiệp đóng tàu lại hô biến thành giấy nợ trá hình.

25

Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương gỉ sét trầm trọng

Lúc sự cố “tàu rởm” vỡ lở, công ty này hầu như thiếu thiện chí khắc phục.

Dùng tiền dụ ngư dân ký hợp đồng?

Theo ngư dân Trần Minh Vương (trú xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) - chủ tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99027 TS, công suất 811CV, năm 2015 khi được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hồ sơ vay tiền đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014, ông được đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đến mời chào cùng cam kết khoản tiền "hỗ trợ không hoàn lại”.

Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra rõ việc đóng tàu cá kém chất lượng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.

“Ông Lữ Xuân Nhân, Phó giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đến gặp và quả quyết hỗ trợ 500 triệu đồng phí tổn chuyến biển đầu tiên. Chúng tôi không phải hoàn lại khoản tiền này, nên mới an tâm ký vào hợp đồng”, ông Vương kể.

Tương tự, ông Võ Tuân (trú xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS cũng được ông Nhân tiếp cận nói lời ngon ngọt. Ông Tuân bộc bạch: “Tôi đâu biết mình bị gài. Con tàu mười mấy tỉ, nghĩ được hỗ trợ 500 triệu đồng là thiện ý của Đại Nguyên Dương nhằm chia sẻ với ngư dân. Ông Nhân cũng nói đây là tiền hỗ trợ một phần chi phí làm “quà câu hên” chuyến biển đầu tiên. Lúc đó, nếu không vì “thành ý” này, chưa chắc tôi đã chọn ký hợp đồng với Đại Nguyên Dương”.

Tuy nhiên, theo các ngư dân, điểm bất thường lúc công ty giao tiền hỗ trợ đều bắt chủ tàu phải viết “giấy vay tiền” với Đại Nguyên Dương. Ngoài 500 triệu đồng, công ty hứa tiếp tục hỗ trợ thêm 150 triệu đồng làm chi phí để các hộ ngư dân đi tàu xe, thuê nhà nghỉ ra Nam Định giám sát việc đóng tàu. Ông Vương kể: “Mỗi giấy nợ lên đến 650 triệu đồng. Công ty đưa ra lý do sợ ngư dân chúng tôi nhận tiền lại không đóng tàu tại công ty nên bắt ép. Mình nghĩ mọi chuyện chỉ là thủ tục nên vô tư ký.

27
Biên bản thỏa thuậnvà cam kết thực hiện mà Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bắt ngư dân phải ký để làm lệnh xuất xưởng tàu

Cắt hạng mục, đánh tráo máy tàu rởm

Chưa dừng lại, đến ngày 5/5/2016, khi 5 con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định chuẩn bị xuất xưởng, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đưa cho các chủ tàu 1 tờ giấy được đánh máy sẵn, gọi là “Biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện” do ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký sẵn và yêu cầu các chủ tàu ký mới được cho tàu hạ thủy. Đọc nội dung biên bản, nhiều chủ tàu mới ngã ngửa biết mình bị “dụ vào tròng”.

Đưa tờ biên bản hai bên ký kết, ông Trần Minh Vương cho biết, rất nhiều nội dung vô lý như đoạn: “Để thực hiện thi công dự án đóng tàu cá vỏ thép nghề lưới vây mạn theo Nghị định 67/2014, ngư dân Trần Minh Vương phải tham gia vốn đối ứng 5% của dự án, nhưng do không có điều kiện nên ông Trần Minh Vương có vay của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương số tiền 650 triệu đồng để tham gia vốn đối ứng”.

Ngày 30/6 vừa qua, sau nhiều lần vắng mặt tại các cuộc họp về vấn đề tàu thép hư hỏng do UBND tỉnh Bình Định chủ trì, ông Nguyên đã có mặt tại Bình Định và làm việc với ngư dân về giải pháp và thời gian khắc phục hư hỏng tàu nhưng tỏ thái độ khó chịu. Khi có ngư dân yêu cầu sửa chữa, làm mới hầm bảo quản thủy sản hư hỏng thì ông Nguyên phản ứng gay gắt: “Cái gì cũng phải có tình có lý, các ông đừng đòi hỏi quá. Cùng lắm tôi căn cứ vào hợp đồng, vào pháp luật tôi làm. Các ông làm vậy, tôi có bán cả nhà, có mà phá sản... ”.

Theo đó, ông Nguyên tự đưa ra điều mục thỏa thuận: “Do không kịp thu xếp được nguồn vốn để trả nợ cho công ty, ông Trần Minh Vương yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cắt giảm 1 số chi phí và hạng mục lắp đặt lên tàu, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu của đăng kiểm, hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác”. Đồng thời, yêu cầu: “Sau này khi tàu đi vào khai thác, khi có điều kiện ông Trần Minh Vương tự nâng cấp các hạng mục theo mong muốn để hoạt động tốt hơn và có hiệu quả hơn”.

“Hồ sơ được tỉnh phê duyệt là chúng tôi đã có vốn đối ứng, chẳng có lý do gì chúng tôi phải đi vay tiền của họ. Biên bản đó do Đại Nguyên Dương tự đánh máy và bắt chủ tàu phải ký, nếu không ký thì công ty không làm lệnh xuất xưởng tàu và không được xóa nợ. Ngày đó, mình háo hức nhận tàu, mong vươn khơi nên đành chấp nhận. Giờ thì hại đơn hại kép ”, ông Vương bức xúc.

Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, trước khi phê duyệt hồ sơ cho ngư dân tham gia đóng tàu vỏ thép, ngành chức năng đã điều tra, biết rõ các chủ hồ sơ có đủ điều kiện đáp ứng vốn đối ứng mới phê duyệt hồ sơ. Giấy vay tiền là không đúng bản chất, một hành động bất thường, có dấu hiệu bất minh, o ép của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhằm cắt giảm nhiều hạng mục theo hợp đồng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.