Xã hội

Vụ tiểu thương "bãi thị" phản đối Ban quản lý: Lãnh đạo lên tiếng

22/03/2018, 08:12

Lãnh đạo UBND TP. Hạ Long, Ban quản lý chợ đã lên tiếng về vụ việc tiểu thương "bãi thị".

29365479_1694267580653389_4753749900057903104_o

Nhiều tiểu thương đóng cửa ki ốt phản đối mức thu phí của Ban quản lý chợ Hạ Long 1

Liên quan đến vụ việc nhiều tiểu thương tại chợ Hạ Long 1 (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đóng ki ốt bán hàng để phản đối mức thu giá vệ sinh môi trường đối với Ban quản lý chợ khiến hoạt động dân sinh ảnh hưởng, ngày 21/3, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) thẳng thắn cho biết: "Nếu trước ngày 31/3, các hộ kinh doanh không thực hiện đúng hợp đồng đã ký với Ban quản lý chợ Hạ Long, chính quyền thành phố sẽ chấm dứt hợp đồng, thu hồi điểm kinh doanh đối với các hộ vi phạm hợp đồng, không chấp nhận và thanh toán tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác ở chợ Hạ Long 1".

Ông Hồ Quang Huy cho biết, thực hiện Luật Giá, từ 1/1/2018, việc thu phí môi trường ở chợ Hạ Long 1 sẽ được áp dụng theo hình thức thu giá. Mức giá được áp theo Quyết định số 2625/2017/QĐ-UBND tỉnh ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh và có hiệu lực từ ngày 15/7/2017.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, để có đủ thời gian tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về chủ trương chuyển đổi từ cơ chế phí sang cơ chế giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, UBND thành phố Hạ Long lựa chọn thời gian thu giá dịch vụ này từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, khung mức giá trần mà UBND tỉnh Quảng Ninh quy định đối với việc thu giá vệ sinh môi trường tối đa không quá 235.000 đồng/hộ/tháng. UBND thành phố Hạ Long áp dụng mức thu giá vệ sinh môi trường đối với các hộ kinh doanh ở Chợ Hạ Long 1 mới với 5 khung giá từ 135.000 - 235.000 đồng/hộ/tháng, tùy theo từng ngành hàng.

Việc thay đổi này đã được thông báo tới các hộ kinh doanh từ giữa năm 2017 trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ của chợ với tần suất 4 lần/ngày và bằng các hình thức thông tin trên cổng thông tin của địa phương. Chính quyền địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các hộ kinh doanh ở Chợ Hạ Long 1 về việc thay đổi, áp dụng Luật phí và lệ phí mới.

Ông Trần Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý chợ Hạ Long 1 cho biết, đến hết ngày 20/3, đã có 1.048 điểm kinh doanh thực hiện nộp tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho Ban quản lý chợ.

Hiện, còn 424 điểm kinh doanh của 295 hộ kinh doanh chưa thực hiện, đa số ở ngành hàng may mặc và tạp hóa có mức thu giá ở khung thấp nhất 135.000 đồng/hộ/tháng (tăng khoảng 70.000 đồng/tháng/hộ so với mức phí cũ).

Theo phản ánh của các hộ kinh doanh này, họ không đồng thuận vì cho rằng mức thu giá này quá cao, cao gấp đôi so với mức phí trước đây. Do vi phạm hợp đồng, ngày 19/3, Ban Quản lý chợ Hạ Long đã tạm ngừng cấp điện đối với khoảng 50 hộ tiểu thương.

Trưởng Phòng Tài Chính thành phố, ông Phạm Đức Thắng cho biết, với mức thu giá trên, mỗi năm chợ Hạ Long 1 được hơn 2,8 tỷ đồng đủ để phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý toàn bộ rác thải ở khu vực chợ.

Ông Thắng phân tích, nguyên nhân thu giá cao hơn mức phí cũ là do nay áp dụng Luật Giá, thành phố phải tự chủ toàn bộ kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Do cự ly vận chuyển rác xa (ở Hoành Bồ), chi phí xử lý rác lớn và đặc biệt tiền thu giá vệ sinh môi trường này nay cũng phải chịu thuế 10% (tương đương khoảng 280 triệu đồng/năm).

Trước đó, từ ngày 19/3, hàng trăm hộ kinh doanh ở chợ Hạ Long 1 đồng loạt đóng của các quầy hàng và tập trung đông người trước cổng các cơ quan công quyền phản ánh về việc thu giá vệ sinh môi trường cao (mức giá cao hơn 70.000 đồng so với mức phí cũ) và bị cắt điện kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.