“Tốt quá rồi, vậy là con dâu tôi không phải ngồi tù nữa, cảm ơn Báo Giao thông và luật sư đã đồng hành, cảm ơn tòa đã thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình tôi”, cụ bà Trần Thị Chãi (SN 1933, trú thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) vui vẻ thốt lên khi rời phiên tòa phúc thẩm xét xử người con dâu cụ.
Từ những tháng ngày vô vọng
Ngày 10/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Ngân ở thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Phiên tòa được mở sau khi bị cáo Ngân có đơn kháng cáo cho rằng, bản án sơ thẩm do TAND huyện Gia Lâm tuyên “thiếu tình”, bỏ qua toàn bộ những tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo.
Chỉ có 5 người được triệu tập đến tòa nhưng có tới vài chục người dân xã Hồng Sơn đã thuê cả 1 chuyến xe khách từ quê đi theo để động viên bị cáo Ngân và gia đình. Không được vào dự phiên tòa, người dân tập trung tại quán nước gần tòa để nghe ngóng, chờ đợi. Quá trình đeo bám vụ việc hy hữu này, PV Báo Giao thông hiểu rõ sự thấp thỏm của họ.
Đầu tháng 5/2020, từ một status kêu cứu trên mạng xã hội về vụ việc hai chị em đi đường không may bị TNGT khiến chị chết, người em bị thương tật và bị tòa tuyên án tù giam, PV đã tìm về xã Hồng Sơn tìm hiểu vụ việc.
Theo hồ sơ, ngày 8/6/2019, chị Phạm Thị Ngân (SN 1983, trú thôn Đặng, xã Hồng Sơn) chở chị chồng là Đặng Thị Lạng (54 tuổi, trú cùng thôn) bằng xe máy đi bán tăm tre. Khi qua cầu Thanh Trì, xe máy do chị Ngân điều khiển bỗng mất lái, tông vào dải phân cách giữa cầu khiến chị Lạng tử vong, chị Ngân bị thương nặng, gãy xương đùi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng, lời khai bị cáo Ngân không có căn cứ, kết luận trong vụ tai nạn trên lỗi và nguyên nhân gây ra đều thuộc về bị cáo Ngân, đồng thời tuyên phạt 13 tháng tù giam. HĐXX cho biết, lý do để không xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Ngân là: Bị cáo chưa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phía gia đình nạn nhân đòi bồi thường 63,5 triệu đồng nhưng gia đình bị cáo chưa bồi thường. Với tình tiết này, anh Dương Văn Vụ (chồng bị hại) cho biết, không hề đòi tiền gia đình em vợ, bởi “chúng tôi là anh em một nhà”.
Mỗi lần về xã Hồng Sơn tìm hiểu về vụ việc, PV luôn được nhiều người dân thôn Đặng kéo tới để phản ánh những tâm tư của mình về một sự việc mà theo họ là vô lý. Anh Dương Văn Vụ (chồng bị hại Đặng Thị Lạng) bức xúc: “TNGT xảy ra, vợ tôi mất đi là điều rất đau xót. Tuy nhiên, gia đình tôi và gia đình cô Ngân, chú Thi là anh em mà, cô chú ấy còn đang chăm sóc mẹ vợ tôi. Khi nghe thông tin công an khởi tố rồi tòa tuyên cô ấy tù giam 13 tháng, cả gia đình tôi bàng hoàng, chẳng hiểu thế nào”.
Cụ bà Nguyễn Thị Chãi (mẹ ruột chị Lạng, mẹ chồng chị Ngân) tức tưởi: “Con gái tôi chết rồi, giờ họ lại bắt con dâu tôi đi tù thì lấy ai chăm sóc tôi và đám cháu nhỏ đây”.
Một cái kết có hậu
Ngay sau khi thu thập đầy đủ thông tin, Báo Giao thông trong tháng 5/2020 đã liên tiếp đăng nhiều bài viết: “Éo le vụ tai nạn giao thông chị chết, em đi tù”; “Chỉ mong một phán xét “có tình”; Vụ TNGT chị chết, em đi tù: Có người bắn tiếng “250 triệu sẽ xong”?.
Trong vụ TNGT này, có thể vì không được hướng dẫn nên gia đình chị Lạng không biết để viết đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho chị Ngân ngay từ bước điều tra, dù khi ra toà sơ thẩm, gia đình nạn nhân đã tha thiết xin miễn, giảm tội cho bị cáo.
Tuy nhiên, tới phiên toà phúc thẩm này, cơ quan bảo vệ pháp luật đã cân nhắc, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, xét tới yếu tố “tình”, từ đó HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Ngân 13 tháng tù treo. Đây là một bản án hợp lý, hợp tình”
Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp
Được PV Báo Giao thông cung cấp hồ sơ, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp - Công ty Luật TNHH Việt Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã nhận bào chữa với mức phí tượng trưng cho bị cáo Phạm Thị Ngân.
Luật sư Hiệp cho biết: “TAND huyện Gia Lâm đã bỏ qua tất cả những tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Thị Ngân. Mức án 13 tháng tù giam là quá nặng, không thể hiện tính nhân văn trong một bản án”.
Luật sư Hiệp đã hướng dẫn bị cáo thực hiện các thủ tục pháp lý, làm đơn đề nghị xin giảm án của đại diện hợp pháp cho bị hại... Đồng thời củng cố thêm hồ sơ, là những lá đơn xin giảm nhẹ hình phạt của tập thể người dân thôn Đặng, công văn đề nghị giảm nhẹ hình phạt của Hội Người cao tuổi huyện Mỹ Đức, Hội người cao tuổi TP Hà Nội…
Tại phiên phúc thẩm ngày 10/8 vừa qua, đại diện Viện Kiểm sát và luật sư đều đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo.
Nếu như phiên sơ thẩm, cụ bà Nguyễn Thị Chãi tức tưởi vì luôn bị HĐXX cắt ngang không cho trình bày thì tại phiên tòa này, cụ được tòa mời ngồi trình bày ý kiến. Giọng run run, cụ Chãi nêu nguyện vọng: “Con gái tôi chết rồi, giờ có đứa con dâu ở nhà chăm sóc tôi. Tôi kính mong tòa cho con tôi giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo để cháu nó ở nhà chăm sóc tôi, cũng như chăm sóc các con nó, là các cháu nội tôi, chăm sóc các con của Lạng, là cháu ngoại tôi”.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Ngân 13 tháng tù, cho hưởng án treo.
Phiên tòa kết thúc trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người vừa là bị cáo, vừa là bị hại. Phía ngoài tòa, hàng chục người dân thôn Đặng đứng chờ, hồi hộp nghe tin về phiên tòa. Khi cụ Chãi, chị Ngân rời cổng tòa với nụ cười trên môi, họ biết rằng, một bản án “có tình” đã đến với gia đình cụ Chãi. Những cái vỗ vai, bắt tay thật chặt và tiếng cười giòn tan của những người nông dân ấy là lời cảm ơn đối với một phiên tòa công tâm, có lý, có tình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận