Xã hội

Vụ trục lợi làm căn cước công dân ở Gò Vấp: Công an TP.HCM lên tiếng

30/06/2022, 20:32

CCCD hoặc CMND hư hỏng, bị mất sẽ được ưu tiên cấp trước nên cán bộ tiếp nhận có thể lợi dụng việc này để đưa sai đối tượng ưu tiên.

Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM trả lời báo chí trong buổi họp báo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của TP.HCM vào chiều 30/6.

Cụ thể vụ việc đại úy Lê Ngọc Minh, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp nhận 3,5 triệu đồng để làm nhanh căn cước công dân (CCCD).

img

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM trả lời báo chí

Thượng tá Hà cho biết, sau khi nhận thông tin từ cơ quan báo chí, lãnh đạo công an thành phố đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ xác minh, xử lý nghiêm.

Theo kết quả ban đầu, hành vi vi phạm của đại uý Lê Ngọc Minh có tính chất cá nhân, lợi dụng vị trí công tác trong tiếp nhận hồ sơ, đề xuất và trả thẻ CCCD để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lực lượng công an.

"Các trường hợp đổi CCCD hoặc CMND hết hạn sử dụng, bị hư hỏng hoặc bị mất. Chính vì một số yêu cầu của người dân làm gấp, cán bộ tiếp nhận có thể lợi dụng việc này để đưa vào diện ưu tiên", Thượng tá Hà nhận định.

Để tạo điều kiện cho người dân nhận được hồ sơ nhanh chóng, hạn chế tiêu cực. Công an TP.HCM đã thành lập các đoàn kiểm tra ở từng địa phương phối hợp, xử lý các bất cập trong việc thu nhận và trả CCCD. Các trường hợp bị phản ánh về thái độ cán bộ, chiến sĩ và chỉ huy đơn vị đều phải làm kiểm điểm.

Được biết, thời gian qua, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ được huy động để làm thủ tục cấp CCCD và thu thập cơ sở dữ liệu dân cư. Qua đó đã thu nhận 5,6 triệu hồ sơ và trả trên 4,5 triệu CCCD. Dù vậy, khi thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới nhu cầu của người dân cũng tăng lên, dẫn đến các điểm cấp CCCD chưa đảm bảo yêu cầu.

Hiện tại, công an TP.HCM đã tăng cường thêm 12 điểm cấp CCCD, nâng số điểm cấp toàn thành phố lên 46 điểm, trong đó quận Gò Vấp thêm 4 điểm, quận 8 thêm 2 điểm…

Để kiến nghị, phản ánh, ngoài đầu mối liên hệ công an khu vực, người dân có thể liên hệ đường dây nóng của Bộ Công an qua số 1900.0368.

img

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế thành phố

Phóng viên đặt câu hỏi cho ngành y tế khi thời gian gần đây, các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM đang quá tải vì bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dồn dập nhập viện, gây khó khăn trong công tác điều trị.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết đơn vị đang tìm cách gỡ khó cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đơn vị tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.

Cụ thể, tập huấn cho 3.600 bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn về công tác điều trị sốt xuất huyết để tránh tình trạng người bệnh đổ dồn về các bệnh viện tuyến cuối.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng một bộ phận người dân còn chủ quan với sốt xuất huyết.

"Khi gặp vấn đề về sức khoẻ, người dân chỉ chủ yếu test nhanh Covid-19 mà không nghĩ đây có thể là triệu chứng gây bệnh sốt xuất huyết", ông Tâm đặt giả thiết.

Theo số liệu báo cáo của HCDC, trong tuần vừa qua TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca).

Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết ở người lớn hiện chiếm hơn 50%. Trong khi đó, những năm trước đó số trẻ em mắc sốt xuất huyết luôn nhiều hơn so với người lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.