Hiện trường vụ xả súng ở Đắk Nông |
Nguyên nhân xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết là do tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, công ty này không thông báo với chính quyền địa phương và người dân trước khi triển khai lực lượng thực hiện việc cưỡng chế.
Dân đã nhiều lần kiến nghị
Ngày 25/10, có mặt tại Tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), hiện trường vụ xả súng cướp đi mạng sống của 3 công nhân và gây thương tích cho 16 công nhân khác của Công ty TNHH Long Sơn, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều diện tích hoa màu, trồng điều của người dân bị chặt phá, ngổn ngang. Tại hiện trường, vẫn còn hai xe máy ủi của Công ty Long Sơn và nhiều lá chắn, áo giáp, gậy gỗ sau vụ xả súng kinh hoàng vào sáng 23/10.
Ông P. T. H. (SN 1958, sống tại Tiểu khu 1535) cho biết, từ nhiều năm qua, giữa người dân canh tác tại Tiểu khu 1535 và Công ty Long Sơn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Trước đây, khu vực này là đất rừng và người dân tự khai phá lấy đất sản xuất. Tới nay, có 360 hộ dân sinh sống trồng hoa màu và cây điều. Năm 2008, đất của người dân bỗng dưng bị chính quyền giao cho Công ty Long Sơn làm dự án. Điều đáng nói, do người dân mất đất không được Công ty Long Sơn hỗ trợ thỏa đáng nên họ quyết không rời bỏ diện tích đất đã khai phá. “Từ đó, nhiều lần Công ty Long Sơn cho máy móc và người vào san ủi diện tích hoa màu, cây điều và tháo dỡ chòi rẫy của người dân. Bức xúc, người dân kéo đến gây áp lực và đã xảy ra đánh nhau, đỉnh điểm là sự việc hôm 23/10”, ông H. nói.
Chị V. T. V. (đang canh tác tại Tiểu khu 1535) bức xúc: “Gia đình tôi vào tiểu khu này khai phá, sản xuất cách đây hơn 10 năm. Sau đó, nghe nói diện tích đất gia đình được giao lại cho Công ty Long Sơn làm dự án nên họ đã yêu cầu tôi giao đất. Gia đình tôi chấp nhận nhưng yêu cầu công ty phải bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên, công ty không đồng ý, khi hoa màu, điều đang vào mùa thu hoạch thì công ty cho người vào san ủi, chặt phá. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không được giải quyết dứt điểm”.
Ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất làm dự án và đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm. Năm 2008, Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 1.079 ha đất triển khai dự án trồng cao su, điều, trồng rừng. Do việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến việc tranh chấp đất canh tác kéo dài, thường xuyên giữa công ty với người dân.
Đã từng xảy ra ẩu đả
Chiều 25/10, ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng khẳng định, nguyên nhân xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này là do tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp với người dân địa phương kéo dài. Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định cho Công ty Long Sơn thuê hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp tại xã Quảng Trực để trồng cây lâu năm. Trên vùng đất này, trước đó đã có nhiều hộ dân vào khai hoang, canh tác. Trong quá trình thỏa thuận đền bù, hỗ trợ đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả giữa người dân địa phương với nhân viên Công ty Long Sơn. Đến thời điểm này, Công ty Long Sơn chỉ mới đền bù cho người dân được hơn 400 ha.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong những năm qua, người dân canh tác tại khu vực trên đã gửi hàng trăm đơn khiếu nại, liên quan đến vấn đề giải tỏa đất rừng. Khi vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm thì giữa người dân và doanh nghiệp thường xuyên xảy ra tranh chấp đất đai.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Công ty Long Sơn cho biết, trong quá trình giao đất, có hơn 200 ha thuộc diện được chi trả bồi thường, do đất được người dân khai hoang trước đó. Khi triển khai công tác bồi thường, công ty đã thông báo cho người dân, có phương án bồi thường cụ thể nhưng người dân không đồng ý. Vì vậy, công ty đang ngưng lại để tìm giải pháp. Những diện tích không được bồi thường mà người dân đã tự ý lấn chiếm và vẫn canh tác, khi công ty thu hồi thì xảy ra xung đột.
Xác định 4 đối tượng nghi vấn xả súng Chiều 25/10, một lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết, hiện cơ quan công an đã xác định được 4 đối tượng nghi vấn tham gia vụ bắn 19 người thương vong gồm: Hoàng Văn Thắng (51 tuổi, ở huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông), Ninh Viết Thọ (36 tuổi, ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên), Ninh Viết Bình (34 tuổi, em ruột Thọ) và Ninh Viết Vương (em họ của Thọ, chưa xác định được nơi cư trú). Cơ quan công an cũng đã triệu tập ông Hoàng Văn Thắng lên làm việc nhưng ông này chưa khai nhận hành vi. Theo vị lãnh đạo này, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên do Công ty Long Sơn sử dụng lực lượng và phương tiện vào san ủi đất của ông Hoàng Văn Thắng lấn chiếm trái phép. Trong khi đó, công ty này không thông báo với chính quyền địa phương và người dân trước khi triển khai lực lượng thực hiện việc cưỡng chế. |
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận