Thể thao

Vừa rút đăng cai Asiad, VN được đề nghị tổ chức SEA Games 31

01/05/2014, 09:28

Trong cuộc họp Hội đồng các Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Singapore ngày 29/04/2014, Liên đoàn Thể thao Thể thao Đông Nam Á đã đề nghị Việt Nam đăng cai SEA Games 31 năm 2021.

TIN LIÊN QUAN

Được biết, nếu Việt Nam chấp nhận lời đề nghị này của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thì chúng ta phải có văn bản phản hồi. Sau đó, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á sẽ trao quyết định đăng cai cho Việt Nam. 

Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 27
Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 27

Về phía Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam – ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết, mọi báo cáo sẽ được trình tới Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL sau đó trình Chính Phủ xem xét trước khi có đăng ký cuối cùng.

Thông tin Việt Nam được đề nghị đăng cai SEA Games 31 năm 2021 ngay khi công bố đã nhận được sự quan tâm từ phía dư luận bởi chỉ chưa đầy một tháng trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu hủy đăng cai một sự kiện thể thao khác là ASIAD 18.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ phát đi vào chiều tối 17/4 cho biết sau khi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) lần thứ 18 vào năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

Theo Thủ tướng, việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công, thì sẽ ảnh hưởng ngược lại. Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí, và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao. 

Cũng theo Thủ tướng, kinh phí tổ chức ASIAD 18 dự kiến lên tới 150 triệu USD, trong khi kinh tế của Việt Nam vẫn đang khó khăn, đời sống người dân còn ở mức thấp. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước cả Trung ương và địa phương rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. 

Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo.

Rất may sau cuộc làm việc ngày 23/4, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã chấp thuận lời đề nghị rút đăng cai Asiad 2019 từ phía Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ không đưa ra mức phạt khi Việt Nam xin rút không tổ chức sự kiện này.

Có lẽ vì vừa mới lựa chọn rút đăng cai Asiad nên dư luận lại càng quan tâm xem Chính Phủ sẽ lựa chọn phương án nào đối với lời đề nghị đăng cai một sự kiện thể thao khác là SEA Games 31 vào năm 2021.

"Nữ hoàng đi bộ" được trao lại HCV SEA Games 27

 

Cũng trong cuộc họp tại Singapore ngày 29/4, Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping của Liên đoàn Thể thao ĐNA đã công bố danh sách các VĐV sử dụng doping tại SEA Games 27. Trong đó có môn thể hình, bơi, điền kinh và VĐV của Myanmar Saw Nar Lar, người đã được trọng tài thiên vị suốt chặng đua đi bộ 20 km nữ (vừa đi vừa chạy) đã buộc phải trả lại tấm HCV mà cô này không xứng đáng có được.

 

Khi đó, ĐKVĐ SEA Games 26 Nguyễn Thị Thanh Phúc dù thi đấu rất nỗ lực nhưng chỉ có thể về đích ở vị trí thứ 2. Nay, với việc Saw Nar Lar bị tước huy chương, tấm HCV nội dung này sẽ được trao lại cho "Nữ hoàng đi bộ". 

Ngọc Lê (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.