Lao động nữ trên công trường xây dựng giao thông |
Nghề công đoàn và nghiệp viết báo
Tôi đến với nghiệp viết báo từ năm 1985, mở đầu chỉ bằng những tin ngắn, ảnh thời sự của ngành Giao thông gửi từ Sơn La, hay các tỉnh Tây Bắc khác chuyển về Báo Giao thông, Báo Lao động. Những tin, bài đầu tiên không phải đã được sử dụng ngay, bởi vì phóng viên và cộng tác viên đông, bài gửi về thường phải xếp hàng... chờ đăng. Gửi bài đi rồi, mong được hồi âm, hồi hộp lắm.
Hiện nay, tôi vẫn giữ được những bản tin nhắn: “Toà soạn đã nhận được tin bài của bạn, sẽ nghiên cứu sử dụng, mong tiếp tục nhận được sự cộng tác”. Chính điều đó càng thôi thúc bản thân tôi viết tin, bài gửi về toà soạn. Còn cách viết, tôi tự mày mò, nghiên cứu đọc kỹ tin, bài của các phóng viên được đăng trên báo, tạp chí hàng ngày và 15 ngày bồi dưỡng nghiệp vụ viết báo, do Báo GTVT với Công đoàn Cục Công trình II (CIENCO 1) bấy giờ tổ chức ở Hội trường Công ty Sửa chữa cầu đường 208 (bên cạnh bến Phà Đen - Hà Nội).
Ngày ấy Hà Nội còn bao cấp, ăn ở khổ lắm. Ban tổ chức thuê cho các cộng tác viên một dãy nhà trọ bên phố Vân Đồn, 8-10 người ngủ chung một giường đôi khổ rộng, trong một chiếc màn ngoại cỡ, quạt điện không có, mỗi người tự sắm một quạt giấy phe phẩy qua đêm, ngày thì đi học nghiệp vụ báo chí, từ những bài ca vỡ đất ấy đến bây giờ. Khi ngồi nhớ lại những ngày đó, bây giờ dù khó khăn thế nào vẫn thấy cuộc sống hạnh phúc gấp nhiều lần.
Trong những năm qua, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Chi Hội Báo Giao thông, tôi luôn thấy tự hào, vì tin, bài, ảnh của mình luôn được toà soạn ưu ái sử dụng, nhất là tin bài nóng hổi thời kỳ công tác ở Tây Bắc.
Nghề Công đoàn của tôi có nhiều thuận lợi để viết báo, thu thập, tin bài, chụp ảnh công trình... Bởi vì hàng ngày, thông qua các đợt công tác xuống đơn vị, công trường xây dựng công trình giao thông được gặp trực tiếp công nhân lao động, tuyên truyền giáo dục đoàn viên, thăm hỏi gia đình công nhân gặp khó khăn, hoạn nạn, tôi có điều kiện nắm bắt tình hình và hoàn cảnh mỗi gia đình, mỗi số phận người lao động. Nên khi đăng tải lên báo, tin bài ấy, rất trúng với suy nghĩ, tâm tư của người lao động và được anh chị em công nhân đón đọc, họ coi tôi là: “Nhà báo của công ty”.
Niềm vui và nỗi buồn riêng
Nghề báo cũng có niềm vui và cả nỗi buồn riêng, có người gọi là tai nạn nghề nghiệp. Vui khi mình viết bài phản ánh kịp thời cuộc sống và lao động của các tập thể và cá nhân người lao động. Tôi nhớ, một lần viết bài và chụp ảnh hai công nhân lao động giỏi của Công ty Đường 122 - Đơn vị Anh hùng (CIENCO1), họ là những công nhân bậc cao lái máy san, đầm giỏi trên QL18 (Chí Linh - Biểu Nghi).
Sau khi Báo Giao thông (ngày ấy còn là Báo GTVT), Báo Nhân dân đưa tin trang nhất, một ngày Chủ nhật các anh về quê nghỉ phép, cả họ đến chúc mừng và nói lên niềm tự hào vì con em họ được báo biểu dương, làm rạng danh cả làng, cả xã. Gia đình còn làm vài mâm cỗ để chia vui.
Một lần khác tôi cùng đoàn cán bộ Công đoàn đi công tác phía Nam, khi vào viếng nghĩa trang liệt sỹ Long Thành, tôi đã chụp một số kiểu ảnh, ghi rõ họ tên liệt sỹ, in ảnh gửi thư theo địa chỉ trên mộ chí về gia đình liệt sỹ, ít lâu sau có hồi âm, gia đình liệt sỹ ở Phúc Yên (Mê Linh) mừng lắm, vì bao năm nay họ chỉ biết con em họ hi sinh ở mặt trận phía Nam, cửa ngõ Sài Gòn, còn yên nghỉ chỗ nào, họ chưa có địa chỉ, tôi nghĩ như thế là mình đã làm một việc rất có ý nghĩa, xoa dịu nỗi đau chiến tranh của gia đình các liệt sĩ.
Đó là một vài chuyện đem lại niềm vui cho mọi người. Còn nỗi buồn của người viết báo nghiệp dư như tôi cũng không ít. Có những bài báo, bản thân tôi phải dày công đầu tư để viết như bài báo về cuộc đời các nữ CNLĐ ở Tây Bắc, cống hiến cả tuổi xuân cho những con đường. Chuyện chồng con đành gác lại, quá lứa, nhỡ thì, không được quyền làm vợ.
Có chị “dũng cảm hơn”, chấp nhận hi sinh quyền lợi chính trị, xin ra khỏi Đảng, được chấp nhận sau đó mới thực hiện quyền làm mẹ. Bài viết đó, tôi muốn phản ánh thực tế đời sống khó khăn của một bộ phận nữ CNLĐ ngành GTVT.
Khi viết bài đó tôi muốn dư luận xã hội có sự cảm thông cho những chị trót có mảnh đời dang dở, có chị quá lứa lỡ thì, ở vậy cho đến lúc nghỉ hưu, các chị ấy rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và của cộng đồng. Bài báo viết xong mà tâm trạng tôi nao nao buồn cả tháng. Thương lắm và cũng khâm phục lắm những nữ công nhân cầu đường.
Trong nghề báo, nếu điều tra tìm hiểu không kỹ mặt trái của một vấn đề cũng có lúc gặp tai nạn nghề nghiệp, kể cả bản thân mình, lỗi đến với mỗi người không ai giống ai. Có người, khi viết tin, bài, chú thích ảnh rõ ràng, nhưng khi đánh máy chữ bị nhầm chính tả, sai con số.
Có công trình mấy tháng trước vừa đưa tin khánh thành, mừng công rầm rộ, nhưng nửa năm sau lại có tin cảnh sát kinh tế đang điều tra, người này, người nọ trực tiếp thi công công trình đang bị xét hỏi, phỏng vấn và vướng vào vòng lao lý... Nếu là tin bài của mình có liên quan công trình ấy, với trách nhiệm của người viết báo, sao không khỏi suy nghĩ, dằn vặt trăn trở. Bởi đây là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính.
Đoàn Văn Bửu
(Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT VN)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận