Phải có định danh, gắn rõ trách nhiệm mới "phạt nguội" được
Sáng 30/3, trao đổi tại tọa đàm "Cách nào để dẹp loạn vỉa hè" do Báo Giao thông tổ chức, nhiều độc giả gửi câu hỏi: "Có thể lắp camera để "phạt nguội" người vi phạm lấn chiếm vỉa hè như "phạt nguội" vi phạm giao thông?"
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP Hà Nội cho biết, dự kiến PC06 sẽ tham mưu Công an TP Hà Nội đề xuất triển khai việc áp dụng "phạt nguội" vi phạm vỉa hè.
Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội
Ông lý giải: "Hiện nay, thành phố đã có hệ thống camera đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) nhưng chưa lắp được toàn bộ, vẫn tận dụng camera của các hộ gia đình để trích xuất hình ảnh.
Việc lắp camera để xử lý pháp lý thì phải đảm bảo theo quy chuẩn, quy định của pháp luật chứ không phải camera nào cũng dùng được".
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra, việc dùng camera để quản lý phương tiện thì dễ hơn vì các phương tiện có đăng ký còn với vi phạm trật tự đô thị (TTĐT) thì công cụ, đồ vật không có định danh, không có biển số như phương tiện nên xử lý qua "phạt nguội" rất khó.
"Sau này, nếu quy định rõ trách nhiệm, chẳng hạn, cửa nhà ông thì ông phải chịu trách nhiệm, lúc ấy mới xử lý được", ông Tuấn nói.
Mặt khác, Thượng tá Tuấn cho biết: "Trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, có chế tài tạm giữ phương tiện vi phạm với mục đích là để tăng tính răn đe. Vì với các phương tiện có giá trị, khi có quyết định xử phạt, người vi phạm sẽ chấp hành.
Nhưng ở vi phạm trật tự đô thị, những người bán nước nhỏ chỉ có cái thùng xốp, hộp gỗ, bàn ghế nhựa thì việc thu, tạm giữ đồ vật vi phạm sẽ khó khăn, từ việc lập biên bản cho đến việc thu giữ. Đặc biệt, vì giá trị đồ vật nhỏ nên người vi phạm cũng chẳng bao giờ lên nộp phạt".
Hơn nữa, đối với chủ hộ kinh doanh, hiện không có chế tài nào cho phép đóng cửa cửa hàng vi phạm nếu không nộp phạt về vi phạm vỉa hè. Do đó, việc xử lý qua hình ảnh gặp rất nhiều vấn đề.
Các khách mời khác tại tọa đàm cũng cho rằng cần phải có chế tài rõ ràng, cụ thể để đảm bảo lực lượng chức năng có thể thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm vỉa hè hiệu quả.
Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) cho biết: "Thực tế việc xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè không chỉ người dân mà lực lượng chức năng rất mong muốn làm được".
Ông Thành chỉ ra, trong các vi phạm TTĐT bao hàm cả vi phạm lòng đường vỉa hè và vệ sinh môi trường. Thực tế dễ thấy, có nhiều trường hợp người dân tiện đâu đổ rác đấy. Đây là những việc xảy ra nhan nhản, nhiều người muốn xử lý nhưng đâu có căn cứ để làm.
"Đã có một số tổ dân phố sử dụng camera, trích xuất hình ảnh vi phạm, in ra và dán lên bảng tin công khai để người vi phạm tự cảm thấy xấu hổ và thay đổi hành vi. Nhưng chỉ có thể làm vậy chứ xử phạt hành chính thì khó", ông Thành nói.
"Chúng tôi cũng rất áp lực!"
Tại tọa đàm, vấn đề quy trách nhiệm với cơ quan quản lý về dẹp loạn vỉa hè cũng được đưa ra để bàn luận.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng chỉ đạo: Địa phương nào để việc vi phạm vỉa hè tràn lan thì sẽ nêu tên người đứng đầu, thậm chí xem xét đánh giá thi đua.
Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội)
Về vấn đề này, ở góc độ một địa phương, ông Thành cho rằng: "Đây thực sự là áp lực nhưng rất đúng. Nếu không giao rõ việc, rõ người thì không thực thi được".
Chia sẻ câu chuyện ở quận Tây Hồ, đêm hôm mà thấy phản ánh có vi phạm ở điểm A, điểm B, lãnh đạo quận vẫn chỉ đạo lực lượng công an để tiến hành giải tỏa, ông Thành tâm sự: "Bản thân chúng tôi đi làm ban ngày rồi, đến đêm vẫn nghe chỉ đạo. Các lãnh đạo cũng lo chứ!".
Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội):
"Nếu lực lượng chức năng để tồn tại một vài điểm có vi phạm lặp đi lặp lại thì nên xử lý, hạ thi đua. Song, không nên chỉ tóm 1 vài sai phạm rồi quy trách nhiệm là lực lượng chức năng không thực hiện, không làm".
Bàn luận thêm về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, để có thể cụ thể hóa thế nào là vi phạm nhiều, tràn lan, cần phải có đánh giá, sát với tình hình địa bàn. Bởi vì đặc thù từng địa bàn khác nhau. Ngay tại Hà Nội, có quận diện tích khoảng 5-6 km2 thì có quận diện tích 40-50km2, do đó việc định lượng để đánh giá sẽ khác.
Theo Thượng tá Tuấn, để xảy ra tình trạng vi phạm vỉa hè là có nhiều nguyên nhân, lỗi của nhiều bên. Do đó, khi xem xét thi đua với cơ sở quản lý thì phải thấu đáo.
Ông Tuấn nói rõ: "Khi giải quyết vi phạm vỉa hè, chúng tôi đều áp dụng theo đúng lộ trình: Điều tra cơ bản, tuyên truyền vận động, các hộ viết cam kết. Qua thực tế, người dân cũng chấp hành và cảm nhận được sự vào cuộc của các cấp nhưng trên thực tế có một số hộ kinh doanh vi phạm chây ì mà trong nghiệp vụ chúng tôi gọi là các "boongke" khó giải quyết. Hôm nay bị phạt, ký biên bản nhưng chỉ cần xe xử lý quay đi người ta lại bày ra bán luôn".
"Để xử lý, các cấp cần xem xét thấu đáo xem tình trạng như vậy có phổ biến, tràn lan không, những chủ thể vi phạm đó đã được lực lượng chức năng vận dụng tất cả các biện pháp xử lý (tuyên truyền, giáo dục, xử phạt) hay chưa. Nếu chưa làm, bỏ bê thì mới xem xét trách nhiệm. Còn đã dùng hết các biện pháp mà người ta cố tình thì sẽ không hợp lý", ông Tuấn nói.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường và phát triển cộng đồng lại cho rằng: "Cần nhìn lại, vì sao một số người dân cố tình chây ì. Có thể một số người họ thực sự khó khăn về kinh tế, cần một phương án để mưu sinh thì chúng ta có kiến nghị, có biện pháp đồng bộ".
Video: Quản chặt vỉa hè quanh Hồ Tây, chủ quán nói gì?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận